Qua ghi chép của mộc bản triều Nguyễn, huyện Duy Xuyên đã có 420 năm đáng nhớ với những mốc lịch sử đặc biệt.
Danh xưng huyện Duy Xuyên
Lần theo nguồn sử liệu, Duy Xuyên là mảnh đất có lịch sử lâu đời. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho biết, cách đây khoảng 2.500 năm, những lớp cư dân đầu tiên đã có mặt ở đây và là một bộ phận của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.
Sau những cư dân tiền sử, sơ sử này, Duy Xuyên nằm trong địa bàn sinh tụ và phát triển của cư dân văn hóa Champa.
Mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển 5, mặt khắc 5 ghi về lịch sử của huyện như sau: “Huyện Duy Xuyên: Ở về phía Nam của phủ, Đông Tây cách nhau 77 dặm, Nam Bắc cách nhau hơn 8 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Lễ Dương, phía Tây đến đạo Trà Tế giáp động Man, phía Nam đến địa giới huyện Quế Sơn, phía Bắc đến địa giới huyện Diên Phước... Sau là đất Chiêm Động (của Chiêm Thành), đời Trần lấy cho lệ vào châu Thăng, đời Lê đổi làm huyện Hy Giang, lệ vào phủ Thăng Hoa. Đầu bản triều đổi tên như hiện nay…”.
Tên gọi huyện Duy Xuyên được chúa Tiên - Nguyễn Hoàng cho đặt vào năm Giáp Thìn (1604). Sự kiện đổi tên huyện Duy Xuyên được mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển 1, mặt khắc 22 ghi cụ thể rõ ràng rằng: “Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604), lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phước, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay đổi làm Thăng Bình) làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên”.
Qua ghi chép của mộc bản triều Nguyễn, có thể khẳng định là năm Giáp Thìn (1604), tên gọi huyện Duy Xuyên đã ra đời. Việc xác định được mốc thời gian xuất hiện tên gọi Duy Xuyên có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử địa phương Quảng Nam, tiếp tục khẳng định thêm bề dày truyền thống, sự tồn tại, phát triển của vùng đất Duy Xuyên.
Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử
Dưới thời chúa Nguyễn, Duy Xuyên là vùng đất có vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Năm Nhâm Dần (1602), khi chúa Nguyễn Hoàng vượt núi Hải Vân vào Quảng Nam xem xét tình hình, đã sai lập dinh trấn tại xã Cần Húc - được nhiều người cho rằng địa danh thuộc huyện Duy Xuyên, để xây kho tàng chứa lương thực.
Về địa giới hành chính, huyện Duy Xuyên từ khi xuất hiện danh xưng đến triều vua Gia Long gần như không có sự thay đổi lớn nào. Chỉ đến năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mệnh cho cắt 4 tổng thuộc huyện Duy Xuyên và 1 tổng thuộc huyện Lễ Dương đặt làm huyện Quế Sơn. Lúc này huyện Duy Xuyên đổi thuộc vào phủ Điện Bàn.
Đến năm Nhâm Tý (1912), vua Duy Tân cho: “Trích 9 xã Ngọc Kinh Đông Tây, Lập Thạch, Cam Lâm, Hữu Trinh, Hội Khách, Trung Đạo, Tân Đại, Thuận An hạt Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam đặt riêng làm tổng An Hòa, sáp nhập vào huyện Đại Lộc để tiện công vụ, là theo lời xin của Hiệp biện lãnh Tổng đốc Hồ Đắc Trung”.
Sau này, với nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay huyện Duy Xuyên bao gồm 13 xã và 1 thị trấn (Nam Phước). Trải nhiều thăng trầm của lịch sử, kể từ năm Giáp Thìn (1604) đến nay, tên gọi huyện Duy Xuyên vẫn tiếp tục được sử dụng và hiện hữu trên bản đồ Tổ quốc. Người dân Duy Xuyên, mỗi lần nhắc đến danh xưng đều tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử, về phẩm chất, cốt cách của người con trên mảnh đất quê hương.
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009 gồm 34.555 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Các bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử.
Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam thời bấy giờ. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đang bảo quản hơn 55 nghìn mặt khắc tài liệu mộc bản trên các lĩnh vực.
Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Quảng Nam xưa, được rất nhiều tài liệu mộc bản triều Nguyễn ghi lại, hiện được trung tâm tổ chức bảo quản cẩn trọng. Tại mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” (quyển 1, mặt khắc 21), ghi chép về vùng đất Quảng Nam là đất tốt, dân đông, sản vật giàu có (năm Nhâm Dần, 1602).
L.Q