Văn hóa - Văn nghệ

Đạo diễn Síu Phạm: Hội An là nơi tôi muốn sống nhất

TUỆ LAM 24/03/2024 11:20

Síu Phạm - U80, vẫn đang theo đuổi đam mê của mình trong các lĩnh vực điện ảnh, vẽ, dịch thuật, kịch… Đa tài, thông minh, Síu như một con ngựa chiến. Dù có mệt mỏi hay chướng ngại, chú ngựa ấy vẫn miệt mài đi...

z5264348279249_1a1cd97cc3b1e821d22336fd5191da39.jpg
Síu Phạm.

Những bộ phim của Síu Phạm cùng Jean Luc – Mello người chồng Thụy Sỹ của bà đã nhận nhiều giải thưởng đáng chú ý trong các liên hoan phim quốc tế. Bà là minh chứng của sự đam mê không giới hạn, cứ yêu đi, làm đi, chẳng bao giờ là quá muộn!

Bán nhà để làm phim

Síu Phạm kể rằng, thi thoảng trong tiềm thức hay có hình ảnh của một đôi giày màu đỏ lấp lánh. Sau này ngẫm lại, bà mới thấu suốt, đó chính là những hình ảnh trong bộ phim Magala - cô gái Ấn mà bà được cha mình cho đi xem khi còn nhỏ. Những hình ảnh đó vẫn đọng lại đâu đây trong ký ức bà.

Síu Phạm là một người đa tài, học vấn cao và đặc biệt, rất đam mê nghệ thuật. Năm 1980, Síu Phạm sang Thụy Sỹ. Cuộc đời chẳng bao giờ trải toàn màu hồng cho ai cả. Những ngày đầu sang Thụy Sỹ, bà làm đủ thứ việc để nuôi sống mình.

Vượt qua giai đoạn khó khăn, sau này bà theo học về lý thuyết phân tích phim tại Đại học Geneve và học lịch sử nghệ thuật, tham gia viết báo, viết kịch bản tại trường Điện ảnh Focal & Fonction Suisse… Thậm chí bà còn thành lập một nhóm kịch nhỏ được tài trợ do Quỹ văn hóa của thành phố Geneve.

Jean - Luc Mello - chồng Síu Phạm, không còn xa lạ với giới hoạt động nghệ thuật, cũng là người gắn bó với Hội An. Ông tổ chức “Không gian hội ngộ Cotic” - trưng bày những tác phẩm sáng tác đương đại về tuồng và những bức vẽ phục trang tuồng cổ. Khắc họa tuồng theo cách riêng của mình, dựa trên những chất liệu truyền thống của Việt Nam, Jean mày mò trải nghiệm, chọn nhiều hình tượng. Jean và Síu cũng đã từng tổ chức một triển lãm tranh tại Hội An, mang tên “Hình và bóng” với những cảm giác đơn độc ngổn ngang… (X.H)

Năm 2004, bà đến TP.Hồ Chí Minh, làm việc trong êkip sản xuất bộ phim “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh. Bà bắt đầu quay phim tài liệu “Saigon’s Blues”.

Luôn coi cuộc đời mình cũng như nhiều người là một cuốn tiểu thuyết vừa bi tráng, vừa hài hước. Dưới góc độ một nghệ sĩ, bà trộn ngần ấy thứ, qua lăng kính triết học và thực tế cuộc sống, Síu Phạm cùng chồng là Jean Luc chọn sống ở Hội An và viết kịch bản phim đầu tiên: “Đó hay Đây...?”.

Không có tiền sản xuất phim, ông bà lần lượt bán nhà để lấy tiền theo đuổi đam mê của mình.

“Bởi sáng tác những thứ không giống ai, lại thiếu tài chính, nên với các giải pháp “con nhà nghèo”, tôi chỉ cố thực hiện được một phim theo ý mình với khả năng tốt nhất có thể vào lúc đó. Tôi rất coi trọng khán giả, khi xem phim họ có quyền ngẫm nghĩ, ý tưởng của họ sẽ làm giàu cho ý tưởng bộ phim mà tôi thực hiện.

Tôi không bao giờ muốn “xỏ mũi” khán giả, bắt họ chỉ đi trên một con đường. Tôi rất sợ những drama kịch tính ước lệ, câu nước mắt. Nên tôi giữ khoảng cách xa nhất có thể cho các tình huống. Nếu đôi khi có lúc “cảm động”, lập tức tôi có khuynh hướng hài hước ngay sau đó...” - Síu Phạm nói.

Rất thông minh, vui tính và xử lý những tình huống một cách khá tài tử, Síu Phạm thấu hiểu việc ngốn tiền, ngốn sức, ngốn đủ thứ khi trở thành một nhà sản xuất, đạo diễn phim độc lập.

“Làm phim là cả một sự điên rồ, tôi không hiểu tại sao mình có thể thực hiện được 4 phim truyện. Bỏ tiền túi, bán nhà, tôi làm nhiều thứ để có thể sản xuất phim. Tôi biết ơn những người giúp đỡ chúng tôi. Đã cưỡi lên lưng cọp, làm gì có đường thoái lui, thế nên tôi biết ơn họ, những người đã sát cánh, biến ước mơ của chúng tôi thành hiện thực. Điều này rất khác lúc vẽ tranh, hay viết lách” - Síu Phạm chia sẻ.

Sự quyến rũ của điện ảnh

Với bà, nỗi nhớ quê hương, hay sự tha hương là một nỗi u hoài, đôi khi là nỗi thống khổ không nói ra được. Nhưng chính những điều ấy trở thành chất liệu để bà sáng tác, làm việc.

z5264174597394_3bc8838c52d706d67c729aad3d6cc9bf.jpg
Síu Phạm và Jean Luc Mello luôn cổ vũ các đạo diễn trẻ. Ảnh: NVCC

Sự quyến rũ của điện ảnh và nghệ thuật khiến bà như bị cuốn phăng đi.

“Khi đang vẽ một bức tranh, quay một bộ phim, tôi thường không ngủ cả tháng. Cả ngày tôi chỉ ăn nửa chén cơm. Dường như chẳng có gì là quan trọng với tôi. Gia đình coi tôi là điên, và tôi được mệnh danh là “ăn chơi bất cần thân thể”, bởi cả nhà coi tôi làm phim là việc đang ăn chơi hoang đàng…”.

Bộ phim “Vào đời” nói về cuộc sống và sự chông chênh của tuổi mới lớn trong thành phố. Síu thực hiện năm 2019, tới năm 2022 bộ phim được trình chiếu rộng rãi và được giải Phim truyện hay nhất của năm tại LA Independent Women Films 2022.

Các nhân vật của Síu Phạm dường đang đi tìm cái gì đó của cuộc đời. Sự chông chênh, tẻ nhạt, vỡ mộng của tuổi trẻ, sự vô nghĩa, thờ ơ và mơ mộng của lứa tuổi thanh thiếu niên được bà đề cập trong phim.

Đôi khi những bạn trẻ giúp bà trong việc tổ chức crowdfunding (gây quỹ cộng đồng) để giúp có thêm kinh phí làm phim. Và đôi khi, bà phải chiến đấu với sự cô đơn của chính mình.

Bà đã xây dựng hình ảnh những người trẻ với quan điểm rất riêng: “Những tình tự riêng tư xảy ra trong thời kỳ niên thiếu là những kinh nghiệm khiến mình lớn lên, khiến mình đủ tư cách sống mà không bị chấn thương như quan niệm thông thường hiện đại về tình dục”.

Síu Phạm rất mê Samuel Beckett - nhà văn Ailen vĩ đại của thế kỷ 20 với sự khám phá những góc đen tối nhất, đau khổ nhất của trải nghiệm trong cuộc sống loài người. Bà đã gặp người bạn đời trên chuyến tàu từ Geneve đến Lausanne Thụy Sỹ, khi trên tay đang cầm cuốn tiểu thuyết Molly của Samuel Beckett.

Người đàn ông ấy đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên gặp một phụ nữ Á Đông đọc sách của Beckett. Ông cũng là một người thích Beckett. Mối lương duyên từ đó mà nên. Hai người đã viết thư qua lại trao đổi chia sẻ và rồi sau đó thành vợ chồng.

Hiện tại, Síu Phạm đã dịch và xuất bản xong cuốn “Chờ đợi Godot” sang tiếng Việt. Cuốn Molly cũng chờ in. Ngay cả bộ phim “Căn phòng của mẹ” của Síu Phạm, cũng bắt nguồn từ những hình ảnh mà ông bà gặp ở Việt Nam: một người đàn ông cụt chân biểu diễn điệu nhảy Micheal Jackson trên hè đường cho khách nhậu xem, một người chèo thuyền bằng chân trên sông Sài Gòn…

Cảm xúc về số phận đơn lẻ, khó khăn của đời người với thuyết hiện sinh ùa về, buộc Síu Phạm phải viết, phải sáng tác kịch bản như một sự trả nợ đời, trả nợ chính mình.

Síu Phạm luôn để các nhân vật có điểm nhìn với các mối xung đột xảy ra. Còn bà, trong đời thường nếu có gì mệt mỏi bế tắc, bà nói: “Tôi giải quyết giống hệt như trong phim, nghĩa là rất suy nghĩ, thấm đòn, nhưng đôi lúc trở nên rất vui sướng vì đang được trải nghiệm một thứ mà tưởng sẽ không chịu nổi mà vẫn chịu được... Không sao cả!”

Với giới trẻ làm điện ảnh ở Việt Nam, bà chia sẻ: “Họ rất giỏi, có trình độ cao về kỹ thuật trong điện ảnh. Tất cả đều tùy vào con đường mỗi cá nhân lựa chọn. Cách nhìn vấn đề đặt tầm quan trọng ở chỗ nào là tùy theo lựa chọn mỗi người. Tôi tin rằng các bạn trẻ làm phim biết mình phải làm gì để đạt những điều gì mà mình muốn”.

Yêu Việt Nam bởi vẻ đẹp rất buồn và nên thơ ở Hà Nội vào mùa đông, mùa thu, thích mùa hè ở TP. Hồ Chí Minh và thích biển Vũng Tàu. Thời gian ở Hội An, Síu Phạm ở trong một căn nhà thuê yên tĩnh. Lúc ấy, bà thường đi xe đạp quanh các con ngõ nhỏ, uống cà phê và gặp gỡ mọi người. Buổi tối, “tôi thường nhậu tại các quán ven sông, đôi khi là ngồi với nhà văn Nguyên Ngọc. Có lẽ, Hội An là nơi tôi muốn được sống ở đó nhất” - Síu Phạm nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đạo diễn Síu Phạm: Hội An là nơi tôi muốn sống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO