Kinh tế

Dấu ấn Quế Sơn trên hành trình 50 năm xây dựng và phát triển

NGUYỄN SỰ (nguyenvansubqn@gmail.com) 26/03/2025 09:43

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, huyện Quế Sơn đã tạo dấu ấn đậm nét trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt kinh tế phát triển khá mạnh.

1(1).jpg
Diện mạo thị trấn Đông Phú - trung tâm hành chính huyện Quế Sơn ngày càng khởi sắc. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Nông nghiệp chuyển biến tích cực

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, từ sau ngày quê hương giải phóng đến nay, chính quyền địa phương luôn chú trọng phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng thủy lợi.

“Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm huyện chi ít nhất 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa kênh mương. Nhờ vậy, hiện nay hơn 80% diện tích đất canh tác của địa phương đã đảm bảo chủ động nguồn nước tưới” - ông Tùng nói.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương của Quế Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế.

3(1).jpg
Mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa ở xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) giúp thu nhập của nông dân tăng mạnh và ổn định đầu ra sản phẩm. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Theo thống kê, năm 2024 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt của Quế Sơn là hơn 9.608ha, trong đó có gần 8.556ha lúa và hơn 1.052ha bắp. Năm 2024, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt hơn 59.050 tấn, tăng hơn 7.401 tấn so với kế hoạch đề ra.

Đáng ghi nhận, những năm gần đây huyện Quế Sơn tích cực hỗ trợ nhà nông đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Riêng năm 2024, thông qua các HTX nông nghiệp, hàng nghìn hộ nông dân ở thị trấn Hương An và các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2, Quế Châu liên kết với các công ty sản xuất hơn 772ha lúa giống, lúa thương phẩm, giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 25 - 35% so với canh tác thông thường.

Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường Quế Sơn cho hay, phát huy thế mạnh của địa phương, người dân trên địa bàn huyện tập trung đầu tư phát triển mạnh các mô hình trồng rừng sản xuất và kinh tế vườn.

5(1).jpg
Mô hình kinh tế vườn ở xã Phước Ninh (Quế Sơn) mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Hiện nay, toàn huyện có hơn 19.000ha rừng nguyên liệu, tập trung nhiều nhất tại các xã Quế Hiệp, Quế Mỹ, Quế Phong, Quế Lộc, Ninh Phước, Quế Lâm và thị trấn Trung Phước. Bình quân hằng năm người dân khai thác bán ra thị trường hơn 3.000ha rừng nguyên liệu với mức giá từ 90 - 100 triệu đồng/ha.

Đối với lĩnh vực kinh tế vườn, toàn huyện hiện có khoảng 8.600 khu vườn trồng nhiều loại cây với tổng diện tích 1.100ha... Lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh được triển khai rộng rãi. Hiện nay trên địa bàn huyện có 12 trang trại, 45 gia trại chăn nuôi bò, heo, gà với quy mô vừa và lớn.

Đặc biệt trong phát triển sản phẩm OCOP, đến cuối năm 2024 Quế Sơn có 1 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao, 3 sản phẩm 4 sao, 39 sản phẩm 3 sao.

Công nghiệp bứt phá

Chị Đoàn Thị Kim Luyến ở tổ dân phố Hương An Đông (thị trấn Hương An) cho biết, năm 2020 trở về trước, chị làm công nhân tại Công ty May Hòa Thọ - Duy Xuyên. Do đi làm xa gặp nhiều khó khăn, đầu năm 2021 chị Luyến chuyển về làm tại nhà máy May Quế Sơn chỉ cách nhà chừng 1km.

8.jpg
Công ty may Minh Hải (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: NGUYỄN SỰ

“Hiện nay, mức lương hằng tháng của tôi hơn 10 triệu đồng, được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm và các chế độ khác cũng được doanh nghiệp thực hiện khá tốt” - chị Luyến chia sẻ.

Ngoài Khu công nghiệp Đông Quế Sơn do tỉnh quản lý, hiện nay trên địa bàn huyện có 5 cụm công nghiệp (CCN), gồm Hương An, Quế Cường, Gò Đồng Mặt, Đông Phú 1, Nông Sơn. Tính đến thời điểm này, tại 5 CCN của huyện đã có 20 doanh nghiệp đang hoạt động với quy mô sử dụng đất 122ha.

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay, trên địa bàn huyện hiện có gần 400 doanh nghiệp ngoài các CCN đang hoạt động hiệu quả với đa ngành nghề; trong đó chủ lực là may mặc, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công sắt thép…

Hằng năm, các doanh nghiệp giải quyết việc làm ổn định cho hơn 10 nghìn lao động với mức thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, toàn huyện còn có 1.215 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ, tạo việc làm cho 6.630 lao động.

7.jpg
Công nhân ở nhà máy May Quế Sơn (đóng tại thị trấn Hương An) có việc làm ổn định và thu nhập khá. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: “Thời gian tới, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các CCN. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn; tập trung cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh”.

Năm 2024, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản của Quế Sơn đạt gần 1.135 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2023. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Quế Sơn đạt 49,4 triệu đồng; năm qua toàn huyện giảm 147 hộ nghèo, trong khi kế hoạch tỉnh giao là giảm 33 hộ nghèo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn Quế Sơn trên hành trình 50 năm xây dựng và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO