(ĐS 21/6) - Những năm qua, Quảng Nam đã tạo dấu ấn trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hỗ trợ phát triển sản phẩm
Ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn do thiên tai và đại dịch COVID-19 nhưng 5 năm qua địa phương vẫn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP.
Giai đoạn 2018 – 2022, từ nguồn kinh phí do tỉnh phân bổ, địa phương đã giải ngân gần 2,8 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể triển khai chương trình OCOP. Từ nguồn kinh phí này, các chủ thể có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng cơ sở sản xuất - kinh doanh và mua sắm trang thiết bị máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ... Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện có 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao.
Theo ông Nguyễn Phước Sơn, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ thể đầu tư phát triển những sản phẩm OCOP có thế mạnh. Riêng năm 2023, Quế Sơn sẽ chi thêm 920 triệu đồng hỗ trợ thực hiện chương trình này.
Mục tiêu huyện đặt ra trong năm nay là phấn đấu có thêm 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, gồm bánh tráng gạo Ánh Dương (Quế Phú), dầu phụng Sơn Hưng (Quế Minh), rượu Đèo Le (Quế Long), chuối sấy dẻo (Quế Phong).
Cạnh đó, đề nghị cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận lại 3 sản phẩm OCOP 3 sao là khoai chà (Quế Mỹ), nếp đắng Lộc Đại (Quế Hiệp), kẹo đậu phụng Ngọc Hải (Quế An).
Ngoài hàng trăm tỷ đồng do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể huy động đầu tư thì giai đoạn 2018 – 2022 ngân sách tỉnh đã chi hơn 90 tỷ đồng cho các ngành, địa phương thực hiện chương trình OCOP, trong đó phần lớn kinh phí hỗ trợ cho các chủ thể để có điều kiện phát triển sản phẩm.
Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 275 sản phẩm 3 sao và 58 sản phẩm 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Thực hiện Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh, năm 2023 UBND tỉnh tiếp tục phân bổ hơn 10 tỷ đồng cho các ngành, địa phương triển khai chương trình OCOP.
Theo kế hoạch, ngoài việc tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cấp 333 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 – 4 sao ở giai đoạn 2018 - 2022, năm nay toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 70% trong số hơn 100 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên.
Trong đó, có từ 10 – 15 sản phẩm xếp hạng 4 sao. “Chủ trương của tỉnh là thời gian tới ưu tiên hỗ trợ phát triển những sản phẩm OCOP chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường...” - ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Tiếp sức mở rộng thị trường
Bà Lưu Thị Thu - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Quý Thu (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) cho hay, hiện nay đơn vị sản xuất và cung ứng ra thị trường 9 sản phẩm bánh, xôi các loại; trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao là bánh dừa nướng và 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là bánh da dẻo, bánh chưng.
Những năm qua nhờ Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi, công ty được tham gia rất nhiều hội chợ, triển lãm, ngày hội khởi nghiệp - sáng tạo... ở khắp nơi trên địa bàn cả nước. Từ đó, không ngừng kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Riêng trong Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 2 - 4/6 tại Công viên văn hóa Đầm Sen, công ty đưa vào 1.200 gói bánh các loại để trưng bày, giới thiệu. “Thành công lớn nhất của việc tham gia sự kiện này là công ty đã kết nối thêm nhiều đối tác mới và khả năng thời gian tới sản lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng mạnh” - bà Thu chia sẻ.
Đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu mỗi xã có tối thiểu 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt hạng 5 sao. Đến năm 2025, doanh số bán hàng OCOP của tỉnh đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020...
Những năm qua, Quảng Nam nỗ lực triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp nhằm giúp các chủ thể OCOP đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Ngô Tấn, bên cạnh quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng một số trung tâm, cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại nhiều nơi thì các đơn vị liên quan còn tích cực giúp đỡ các chủ thể đưa hàng trăm sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn... Đồng thời giới thiệu sản phẩm trên trang thông tin sản phẩm Quảng Nam tại địa chỉ https://sanpham.quangnam.gov.vn.
Đáng ghi nhận, thời gian qua Sở Công Thương chủ công phối hợp với các sở ban ngành, địa phương tập trung tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP Quảng Nam.
Theo đó, các đơn vị liên quan của tỉnh đã tổ chức rất nhiều hội chợ, triển lãm, ngày hội khởi nghiệp - sáng tạo, hội nghị kết nối cung cầu và tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia các sự kiện tại nhiều nơi trên cả nước, thậm chí là hỗ trợ đưa sản phẩm sang quảng bá tại nước bạn Lào.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh 2023, tỉnh đã tổ chức Ngày hội sản phẩm Quảng Nam thu hút khá đông chủ thể tham gia.
Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tham gia ngày hội năm nay có hơn 400 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, làng nghề... Trong đó, số lượng sản phẩm OCOP và tiền OCOP chiếm khoảng 80%. “Sự kiện này là cơ hội lớn để Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm” - ông Minh nói.
Cũng trong đầu tháng 6, tại tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam có khoảng 10 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Nông Sơn, Nam Trà My... đưa một số sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tham gia hội chợ thương mại - du lịch quốc tế Nha Trang 2023. Theo kế hoạch, dự kiến tháng 12 năm nay Quảng Nam sẽ tổ chức Những ngày văn hóa, du lịch và triển lãm sản phẩm OCOP tại TP.Cần Thơ.