Trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Duy Xuyên, một trong những yếu tố tiên quyết đi đến thành công là tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, khéo vận động của những trưởng thôn.
Khéo vận động
Tuyến ĐH17 đi qua thôn Nhuận Sơn (xã Duy Phú) một thời nắng bụi, mưa bùn giờ được bê tông hóa khang trang, hai bên có điện chiếu sáng và trồng nhiều loại hoa.
Ông Lê Chín -- người dân thôn Nhuận Sơn chia sẻ: “Ban đầu, gia đình chưa đồng ý việc hiến đất, di dời hàng rào và dựng xây lại. Nhưng khi ông Trần Xít - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn phân tích nhiều lần sự thuận lợi về giao thông, dẫn đến lợi ích thiết thực đối với gia đình và cộng đồng trong phát triển kinh tế, đời sống..., gia đình tôi đồng thuận, hiến gần 400m2 đất ở, đất vườn và vận động những hộ xung quanh cùng làm theo”.
Bà Trần Thị Dương - Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho biết, phát huy vai trò đầu tàu, ông Trần Xít nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu. Tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đến tận nhà những trường hợp còn “dùng dằng” để vận động, đồng thời nhờ những người tâm huyết, uy tín trong cộng đồng cùng lan tỏa chủ trương đúng đắn của địa phương. Nhờ vậy, cuối năm 2023, thôn Nhuận Sơn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Thôn Câu Lâu Đông (xã Duy Phước) có 382 hộ với 1.360 nhân khẩu. Thực hiện mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, cả hệ thống chính trị của thôn vào cuộc tuyên truyền bằng nhiều hình thức theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Ông Đặng Minh Hùng - Trưởng thôn Câu Lâu Đông cho biết, năm 2022, qua vận động, 35 hộ sống dọc trên tuyến ĐH21 tự nguyện hiến đất mở đường dài gần 1km; nhiều hộ còn đập bỏ tường rào kiên cố trị giá 50-70 triệu đồng. Năm 2024, thôn xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền với kinh phí 150 triệu đồng do nhân dân đóng góp… Nhờ vậy, thôn xây dựng thành công mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước chia sẻ, linh hoạt, sáng tạo là cách mà ông Đặng Minh Hùng cũng như nhiều trưởng thôn khác ở Duy Phước vận dụng để xây dựng hạ tầng; phát huy tinh thần tiên phongtrong giải phóng mặt bằng để làm gương.
“Đối với hộ nghèo, khó khăn hay già cả neo đơn được miễn giảm hoặc đóng góp một phần nhỏ để thể hiện trách nhiệm. Nguồn kinh phí thiếu hụt, trưởng thôn “lặn lội” vận động những người con quê hương hiện sinh sống, làm ăn khá giả ở địa phương khác đóng góp ủng hộ” - ông Phước nói.
Nông thôn khởi sắc
Tại xã Duy Trinh, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, toàn địa bàn hiện có 3/4 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu gồm Đông Yên, Chiêm Sơn và Phú Bông.
Đến nay, hầu như mọi tuyến đường thôn, ngõ xóm trong xã đã trải bê tông kiên cố, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Nhà văn hóa các thôn được nâng cấp, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trở thành nơi tổ chức sự kiện chính trị, hoạt động cộng đồng.
Đặc biệt, bên cạnh đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh, các thôn hình thành nhiều câu lạc bộ dân vũ thể thao, bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền và chung tay gìn giữ lễ hội truyền thống ở địa phương.
“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, địa phương tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân chung tay xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Và đóng góp vào thành công đó phải kể đến vai trò gương mẫu đi đầu, trách nhiệm với công việc của các trưởng thôn” - ông Sơn cho biết.
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thông tin, toàn huyện có 58 thôn thực hiện mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Theo thống kê, 15 năm qua, nhân dân Duy Xuyên hiến 314.071m2 đất, 133 nghìn ngày công, 210 tỷ đồng xây dựng NTM. Không chỉ vậy, ở mỗi khu dân cư hình thành nhiều mô hình hiệu quả, như “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường hoa”, “Camera an ninh”, “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”…
“Trong thành công của công cuộc xây dựng NTM ở Duy Xuyên, các trưởng thôn chính là “cầu nối” quan trọng giữa nhân dân và chính quyền địa phương, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.
Từ đó, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, an ninh trật tự ổn định, người dân khắc phục khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chung tay xây dựng vùng quê đáng sống” - ông Phúc nhìn nhận.