Dầu dừa Bàn Than hướng tới OCOP

TRIÊU NHAN 04/11/2019 14:05

Sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào, cư dân bản địa Tam Hải nhiều đời lưu giữ nghề nấu dừa truyền thống như một đặc sản của xứ đảo. Cơ sở nấu dầu dừa của hộ ông Lê Văn Minh (thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) đã đăng ký nhãn hiệu, nhãn mác “Dầu dừa Bàn Than” và được chọn hỗ trợ hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Sản phẩm “Dầu dừa Bàn Than” của hộ ông Lê Văn Minh (thôn Thuận An, Tam Hải) được chọn xây dựng hướng đến OCOP. Ảnh: TRIÊU NHAN
Sản phẩm “Dầu dừa Bàn Than” của hộ ông Lê Văn Minh (thôn Thuận An, Tam Hải) được chọn xây dựng hướng đến OCOP. Ảnh: TRIÊU NHAN
 So với các hộ nấu dầu dừa truyền thống ở Tam Hải, cơ sở của ông Lê Văn Minh có quy mô và sức tiêu thụ có phần lớn hơn. Sản phẩm dầu dừa nấu được, cơ sở ông Minh đóng chai với nhiều dung tích 500ml, 200ml, 50ml, bán với giá 40 - 50 nghìn đồng/lọ hoặc 120 - 150 nghìn đồng/chai, gắn nhãn mác “Dầu dừa Bàn Than”. Mỗi ngày, cơ sở của ông Minh nấu 1,5 lít dầu dừa (tương đương 20 trái dừa khô); dịp cao điểm, lượng đặt hàng tăng, cơ sở có thể nấu 2 mẻ dầu dừa/ngày, tương ứng với 3 - 4 lít. “Nghề này giúp vợ chồng tôi có thêm chút thu nhập khá, nhưng chỉ là nghề phụ, bởi sản phẩm có sức tiêu thụ trên thị trường còn hẹp. Tôi tranh thủ những ngày nghỉ ngơi sau mỗi chuyến biển và tranh thủ thời điểm biển động giúp vợ làm dầu dừa” - ông Minh nói. Bà Phạm Thị Thích - vợ ông Minh chia sẻ, mỗi tháng trung bình cơ sở bán ra chừng 50 lít dầu dừa, lãi ròng 6 - 7 triệu đồng, tuy là nguồn phụ thu của gia đình nhưng mức đó là không hề nhỏ.

Theo cư dân Tam Hải, dầu dừa có công dụng làm đẹp cho phụ nữ, ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hỗ trợ hấp thụ vitamin và khoáng chất, có thể sát trùng miệng, nấu ăn... Ông Lê Văn Minh cho hay, vợ chồng ông đang nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bởi lâu nay chủ yếu bán cho các mối quen có sẵn. Mới đây, UBND xã Tam Hải đã mời các hộ sản xuất truyền thống như nước mắm, rượu và dầu dừa đến làm việc, định hướng về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Để được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, đòi hỏi cơ sở phải mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm vốn và máy móc, tiếp tục hoàn thiện và chuẩn hóa quy trình các công đoạn sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Minh, vấn đề là hiện nay các loại máy móc trên thị trường chỉ ép được tỷ trọng dầu dừa trong nước cốt đạt 70 - 75%, trong khi ép bằng tay thu đến 90 - 95%. “Được chọn xây dựng sản phẩm OCOP, tôi rất phấn khởi, song mong Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều vì hiện nay sức tiêu thụ sản phẩm có hạn, thị trường còn hạn hẹp, chưa vươn xa được. Để được hỗ trợ 300 triệu đồng từ chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất phải tự đầu tư trước, hoàn thiện quy mô sản xuất, mua sắm máy móc... Đây là những vấn đề hết sức gian nan đối với nghề nấu dầu dừa nhỏ lẻ theo kiểu thủ công truyền thống” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải cho biết, xã đã làm việc, tìm hướng hỗ trợ một vài cơ sở nấu dầu dừa thủ công ở Tam Hải đăng ký nhãn mác thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã chọn cơ sở nấu dầu dừa của ông Lê Văn Minh để hỗ trợ xây dựng sản phẩm đạt chuẩn chuẩn OCOP.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dầu dừa Bàn Than hướng tới OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO