(QNO) - Chiều nay 30.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp trực tuyến để nghe giới thiệu tổng quan Trung tâm Điều hành thông minh Quảng Nam (IOC Quảng Nam) và đánh giá tình hình, kết quả công tác cải cách hành chính năm 2020.
Theo báo cáo, đến nay Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chế phục vụ vận hành IOC Quảng Nam. Đồng thời phối hợp với VNPT Quảng Nam làm việc với các sở, ngành để thống nhất biểu mẫu, chỉ tiêu số liệu tích hợp vào IOC Quảng Nam; hoàn thành việc lắp đặt IOC Quảng Nam tại hội trường tầng 2, Văn phòng UBND tỉnh.
Báo cáo thêm một số nội dung tại cuộc họp, Sở TT-TT cho biết, dự kiến khoảng tháng 5 - 6.2021 sẽ hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh (phiên bản 2.0). Đến nay toàn tỉnh còn 2 huyện (Tây Giang và Nam Trà My) và 63 đơn vị cấp xã chưa sử dụng phần mềm một cửa điện tử.
Sở TT-TT đề nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt nâng cấp dung lượng lưu trữ cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam; thống nhất chủ trương cho phép phát triển bổ sung chức năng, tính năng phần mềm Q-Office theo các quy định mới; triển khai rộng Q-Office đến các đơn vị cấp 3 và cấp 4 trên địa bàn toàn tỉnh...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và IOC Quảng Nam nói riêng. Theo đó cần khẩn trương cập nhật các chỉ số, dữ liệu lên cổng IOC Quảng Nam nhằm phục vụ nhiệm vụ điều hành, chỉ đạo; không bưng bít, giấu giếm thông tin của ngành, địa phương mình.
Các địa phương không viện lý do khó khăn, vùng sâu vùng xa mà chậm triển khai ứng dụng CNTT, sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa điện tử. Các huyện, xã còn lại phải hoàn thành việc sử dụng phần mềm một cửa điện tử trước 31.12.2020. Trung bình 15 ngày/lần, Văn phòng UBND tỉnh phải thống kê, báo cáo liên quan đến cải cách hành chính, việc cập nhật dữ liệu IOC Quảng Nam...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đặc biệt lưu ý, việc đầu tư hạ tầng CNTT phải liên thông, không đầu tư nhỏ lẻ, nhất là ưu tiên thuê dịch vụ theo chủ trương Chính phủ. Cấp huyện, xã chỉ sử dụng dịch vụ nên cần đầu tư năng lực, đầu tư kiến thức cho cán bộ để sử dụng, ứng dụng tốt CNTT.