Chính quyền - đoàn thể

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Quảng Nam: Dân chủ, chặt chẽ

TÂM ĐAN - HÀN GIANG 10/07/2024 08:30

UBND tỉnh Quảng Nam đã hoàn chỉnh dự thảo đề án và các nội dung có liên quan để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.

Cử tri huyện Nông Sơn bỏ phiếu ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Ảnh: TÂM ĐAN
Cử tri huyện Nông Sơn bỏ phiếu ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Ảnh: TÂM ĐAN

Hoàn tất thủ tục

Tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa X (diễn ra từ hôm nay 10/7) sẽ xem xét Tờ trình của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 (gọi tắt là Đề án).

Cụ thể: tán thành sắp xếp huyện Nông Sơn và 10 ĐVHC cấp xã. Sau khi sắp xếp, Quảng Nam có 17 ĐVHC cấp huyện (gồm 14 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố) và 233 ĐVHC cấp xã (gồm 190 xã, 29 phường, 14 thị trấn).

Thời gian qua, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án; tổ chức lấy ý kiến cử tri và được HĐND cấp huyện, cấp xã có liên quan thông qua.

Sở đã nhận được ý kiến góp ý của 18 sở, ban, ngành và địa phương liên quan; trong đó có 9 đơn vị thống nhất với dự thảo, 9 đơn vị có ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án. Ngoài ra, sở nhận được 17 ý kiến góp ý của thành viên UBND tỉnh, trong đó có 17/17 ý kiến thống nhất.

Đặc biệt, Sở Nội vụ đã tiếp nhận nhiều nội dung góp ý tại hội nghị phản biện Đề án do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vào ngày 24/6/2024.

dsc_0843.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phản biện Đề án sắp xếp ĐVHC. Ảnh: PV

Đáng chú ý, qua những dẫn chứng về các tồn tại và cả hệ lụy chưa được giải quyết dứt điểm từ việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, nhiều đại biểu từ cơ sở đã góp ý, kiến nghị những nội dung từ thực tiễn cho cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án.

Qua thẩm tra Tờ trình, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh về sắp xếp ĐVHC, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá, quy trình, thủ tục xây dựng Đề án, lấy ý kiến cấp ủy, chính quyền, nhân dân được UBND tỉnh thực hiện chặt chẽ, đảm bảo thời hạn quy định.

Tiếp thu nhiều nội dung góp ý

Thực tế quá trình triển khai chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh bên cạnh thuận lợi cũng gặp những khó khăn. Nổi lên là việc phải tổ chức lấy ý kiến cử tri xã Tiên Sơn (Tiên Phước) lần 2 về đề án sáp nhập xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm.

Từ 88,42% cử tri Tiên Sơn không đồng ý với dự thảo đề án qua lấy ý kiến lần 1 đến 84,78% cử tri đồng ý với dự thảo lần 2, đã thể hiện sự nỗ lực của ban chỉ đạo sắp xếp ĐVCH các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động.

Ngày 13/6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2030 gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên xã Tiên Sơn về đề án sáp nhập xã. Ảnh: PV
Ngày 13/6, đồng chí Lê Văn Dũng gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên xã Tiên Sơn về đề án sáp nhập xã. Ảnh: PV

Đặc biệt ngày 13/6, đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2030 đã kịp thời có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước, Thường trực cấp ủy xã Tiên Sơn và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên xã Tiên Sơn.

Qua đó kết luận về các nội dung liên quan nhằm giải tỏa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đảng viên, nhân dân, trong đó có chủ trương sử dụng cả hai trụ sở hiện có (trụ sở xã Tiên Sơn và Tiên Cẩm) để đảm bảo hoạt động của ĐVHC cấp xã mới; hay thống nhất bố trí nguồn lực để xây dựng trụ sở làm việc mới tại vị trí phù hợp…

Theo Sở Nội vụ, những góp ý sâu sắc của các sở, ngành, địa phương, nhất là ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã giúp cơ quan tham mưu trình UBND tỉnh Đề án hoàn chỉnh.

Nhiều nội dung góp ý đã được cơ quan tham mưu bổ sung, cập nhật, làm rõ. Đáng chú ý, trong nội dung góp ý, Mặt trận tỉnh đề nghị cơ quan chủ trì Đề án đánh giá về những tác động tiêu cực trên các lĩnh vực.

Trong phần giải pháp, đề nghị đưa ra những giải pháp cụ thể tương ứng để giải quyết, khắc phục tác động tiêu cực và khó khăn, vướng mắc…

Những nội dung này đều được Sở Nội vụ tiếp thu, cập nhật vào dự thảo Đề án. Trong đó đã bổ sung, làm rõ phần giải pháp gắn với 4 tác động cụ thể, về hoạt động quản lý nhà nước; kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng, chính trị, trật tự an toàn xã hội; về cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công…

Trong phần phần kiến nghị, đề xuất, cơ quan tham mưu đã bổ sung nội dung “Đề nghị Chính phủ cho bố trí kinh phí hỗ trợ (miễn phí) cho người dân, doanh nghiệp khi điều chỉnh thông tin giấy tờ; kinh phí, trách nhiệm khắc phục những tác động tiêu cực, ổn định đời sống nhân dân; an ninh trật tự ở cơ sở; xử lý tài sản công dôi dư…”. Đây cũng là nội dung được Mặt trận tỉnh kiến nghị.

Theo đó, Mặt trận tỉnh cho rằng, dự thảo Đề án chỉ mới đề cập 2 vấn đề, đó là ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng và sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà chưa kiến nghị những vấn đề mang tính toàn diện, trọng tâm để giải quyết căn bản những tác động tiêu cực, khó khăn lớn nhất của Đề án...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Quảng Nam: Dân chủ, chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO