Trải qua 50 năm kể từ ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, thị xã Điện Bàn ngày càng vươn mình với diện mạo đô thị đầy sôi động.
Những mốc son lịch sử
Cách đây 95 năm, ngày 5/4/1930, tại làng Bất Nhị, thôn Nhị Dinh 2, xã Điện Phước, Chi bộ Bất Nhị - Chi bộ Đảng đầu tiên ở phủ Điện Bàn được thành lập, gồm 3 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ đã tập trung củng cố, phát triển tổ chức, phát triển đảng viên, phát triển quần chúng tốt, tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh rộng khắp các làng, xã trong huyện.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Điện Bàn kiên cường đấu tranh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sức mạnh chiến tranh nhân dân của quân và dân Điện Bàn được phát huy cao độ trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn huyện Điện Bàn vào ngày 29/3/1975.
Ông Đào Duy Phổ - Huyện đội phó Huyện đội Điện Bàn giai đoạn 1971 - 1976 nhớ lại: “Giai đoạn quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Nam, trong đó có Điện Bàn là từ năm 1971 đến đầu năm 1975. Thế nhưng nhân dân trên địa bàn vẫn bám trụ, giữ làng, chở che cho bộ đội đến ngày quê hương giải phóng”.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Điện Bàn đã lập nên bao chiến công chói lọi, tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống yêu nước của ông cha.
Với nhiều thành tích vẻ vang, ngày 20/10/1976, Điện Bàn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Địa phương có 21 tập thể và 82 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 3.140 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Điện Bàn có 18.920 liệt sĩ, cùng hàng nghìn thương binh và hàng nghìn gia đình có công cách mạng.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - nguyên Bí thư huyện Điện Bàn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: “Kết thúc chiến tranh, dù đã nỗ lực vượt bậc nhưng sau 10 năm kiên trì xây dựng, tổng giá trị sản xuất toàn xã hội của Điện Bàn cũng chỉ tăng 2 lần so với năm 1975, địa phương còn đến hơn 50% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,45 triệu đồng/năm.
Sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới, Đảng bộ Điện Bàn đã vận dụng và tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từ một địa phương thuần nông chuyển sang phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi hóa đất màu, tầng hóa trường học, từng bước đưa sự nghiệp xây dựng quê hương tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc”.
Chuyển mình mạnh mẽ
Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Điện Bàn đạt được những thành tựu to lớn. Trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đã hình thành những cánh đồng chuyên canh, kinh tế tăng trưởng tạo điều kiện để thực hiện các chương trình giao thông nông thôn, tầng hóa trường học, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội…
Với những thành quả trong sự nghiệp đổi mới, năm 2005 cán bộ và nhân dân Điện Bàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt năm 2015, Điện Bàn trở thành thị xã, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2016.
Và đầu năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập 5 xã dọc quốc lộ 1 trở thành phường và đến nay Điện Bàn có 12 phường nội thị và 8 xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Về thu hút đầu tư, ngoài Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với diện tích 390ha, Điện Bàn đã quy hoạch, xây dựng được 9 cụm công nghiệp và cụm làng nghề, thu hút gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài thị xã đến làm ăn.
Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, khu vực ven biển Điện Ngọc - Điện Dương từ một vùng đất khó khăn đã thật sự chuyển mình mạnh mẽ đi lên khi thị xã đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển và xuất hiện nhiều dự án du lịch mang tầm quốc tế như: The Nam Hải, Label Hà My…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, đã xuất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 1.752 tỷ đồng.
Bí thư Thị ủy Điện Bàn - ông Phan Minh Dũng cho biết: Sau 50 năm kể từ ngày quê hương giải phóng và 10 trở thành thị xã, với sự tập trung, quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay, góp sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thị xã Điện Bàn đã thực sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Từ vùng đất “bom cày, đạn xới’’ nay đã trở thành đô thị trẻ, năng động của khu vực phía bắc tỉnh Quảng Nam. Cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn được đầu tư; diện mạo đô thị và nông thôn thị xã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 71 triệu đồng/năm. Thị xã không còn hộ nghèo, trừ hộ nghèo bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo.
Từ một huyện nông nghiệp thường xuyên thiếu lương thực trong những năm đầu sau ngày giải phóng, đến cuối năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của Điện Bàn đạt hơn 27.000 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Cụ thể: công nghiệp - xây dựng chiếm 67%, dịch vụ chiếm 25%, nông - lâm - thủy sản chiếm 7,8%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 87,5%.