Quy hoạch - Đầu tư

Điện Bàn tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

KHÁNH LINH 05/03/2024 10:31

Được xem là “điểm nóng” về các dự án bất động sản của tỉnh, thời gian qua thị xã Điện Bàn luôn tìm cách tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

bs.jpg
Nhiều dự án ở Điện Bàn chậm triển khai do "nghẽn" giải phóng mặt bằng. Ảnh: K.L

Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam đang là chủ 2 dự án bất động sản tại thị xã Điện Bàn gồm khu đô thị số 9 và khu đô thị số 9 mở rộng Điện Nam - Điện Ngọc.

Triển khai từ 20 năm trước nhưng đến nay các dự án chỉ mới hoàn thành được 80%, khoảng 20% diện tích còn lại vướng giải phóng mặt bằng.

Theo đại diện chủ đầu tư, thời gian qua UBND thị xã đồng hành hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được và dự án cũng đã hết tiến độ. Trong khi theo Sở KH-ĐT, muốn gia hạn tiến độ thì phải ký quỹ toàn bộ dự án.

“Chúng tôi thấy chưa hợp lý vì dự án có từ năm 2004, thời điểm bấy giờ không có quy định về ký quỹ và nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng.

Hơn nữa, dự án này đã làm 80%, công ty cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng, riêng công tác giải phóng mặt bằng đã chi ra gần 40 tỷ đồng, gấp rất nhiều lần ký quỹ theo quy định” - đại diện chủ đầu tư nói, đồng thời đề xuất tỉnh nên khoanh vùng từng dự án.

Cụ thể, những dự án nào mang tính chất lịch sử chậm tiến độ thì có thể miễn ký quỹ, nếu không được có thể cho doanh nghiệp ký quỹ phần chưa giải phóng mặt bằng còn lại và thời gian gia hạn tiến độ không tính thời gian giải phóng mặt bằng.

Điện Bàn là địa phương có nhiều dự án bất động sản nhất trên địa bàn tỉnh. Thống kê trong giai đoạn 2016 - 2021 có khoảng 130 dự án được phê duyệt, cấp phép, bao gồm 83 dự án trong Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, 20 dự án ngoài đô thị và 27 dự án ven biển.

Trong buổi gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra tại thị xã Điện Bàn, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó vấn đề giải phóng mặt bằng.

Đại diện chủ đầu tư dự án Khu phố chợ Điện Nam Trung cho biết, hơn 10 năm qua vẫn chưa thể giải phóng xong 5% mặt bằng. Đặc biệt, tuy đã hoàn thành 95% dự án nhưng đến nay mới chỉ 40% diện tích được cấp “sổ đỏ”, khiến doanh nghiệp vô cùng bế tắc.

Càng khó khăn hơn khi thủ tục gia hạn tiến độ bắt buộc phải nộp ký quỹ lại toàn bộ dự án như ban đầu, doanh nghiệp đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Xuân Nhàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinaconex chia sẻ, mặc dù Điện Bàn rất chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trước những vướng mắc về cơ chế chính sách khiến doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vậy nên, cần bố trí những cán bộ giỏi làm công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời có chế độ chính sách ưu tiên, kể cả bố trí vào cấp ủy đảng để có thêm quyền hạn, trách nhiệm” - ông Nhàn nói.

Đồng hành với doanh nghiệp

Thực tế, dự án chậm triển khai không chỉ một lý do vướng giải phóng mặt bằng mà còn nhiều nguyên nhân khác như cơ chế, chính sách, quy định pháp luật… Theo ông Nguyễn Xuân Nhàn, việc giải quyết thủ tục chậm chạp, rối rắm khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

“Dự án của chúng tôi gia hạn 24 tháng nhưng chờ 14 tháng mới ra được bảng giá cây trồng vật nuôi, trong đó chỉ riêng văn bản gửi ra gửi vô các bộ, ngành trung ương hết 3 tháng, tôi đọc văn bản tiếc từng ngày” - ông Nhàn nói.

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn thừa nhận, bên cạnh các yếu tố khách quan liên quan đến cơ chế chính sách cũng có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương.

“Với việc gia hạn dự án theo quy định nhà nước chúng ta không thể làm khác được nhưng nội hàm của từng dự án thì phải xem xét.

Những dự án nào không đầu tư thì việc gia hạn phải theo quy định, nhưng một số dự án chủ đầu tư rất tâm huyết, bỏ nguồn vốn vào đây nhưng công tác giải phóng mặt bằng khó khăn vì vướng quy định cơ chế chính sách và quyền lợi của người dân thì phải có cách làm phù hợp.

Nếu chúng ta có phương pháp và sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, địa phương thì tôi nghĩ có thể tháo gỡ được vấn đề này” - ông Phan Minh Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh thêm, Điện Bàn phải xác định công tác giải phóng mặt bằng là giải pháp đột phá để xây dựng phát triển địa phương. Do đó, sắp tới sẽ bố trí những cán bộ giỏi cho công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt cơ cấu vào cấp ủy để tăng quyền và trách nhiệm.

“Thời gian tới, việc gì của tỉnh thì tỉnh tập trung, việc nào của thị xã thì thị xã sẽ cố gắng chỉ đạo nhanh. Đến lúc không được nữa thì chúng ta phải chia sẻ và ngồi lại với nhau để làm nhưng phải đúng, bởi không thể vì lợi cho doanh nghiệp mà chúng ta vi phạm các quy định của nhà nước được” - ông Phan Minh Dũng quả quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO