Theo gương Bác

Cựu chiến binh Điện Bàn làm theo gương Bác

MẾN NGUYỄN 27/06/2025 07:30

Nhiều cựu chiến binh ở Điện Bàn không chỉ là người lính dũng cảm trên chiến trường mà còn lan tỏa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường… Đó là minh chứng sinh động cho sức lan tỏa của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

anh-1-1-(1).jpg
CCB Dương Thị Dưỡng trong một lần đi tìm tìm hài cốt đồng đội. ẢNH: MẾN NGUYỄN

Nữ cựu binh trọn đời cho đất nước

Đối với cựu chiến binh (CCB) Dương Thị Dưỡng ở khối phố Phong Nhất (phường Điện An, thị xã Điện Bàn), niềm vui tuổi già lớn nhất là làm được việc ý nghĩa cho xã hội, góp sức đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Bà Dưỡng sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại làng Đông Hồ, năm 13 tuổi xung phong làm giao liên. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn cộng với sự can đảm, mưu trí, nhiều lần bà đã qua mắt bọn địch để mang tài liệu về cho cán bộ cách mạng.

Năm 15 tuổi, Dương Thị Dưỡng quyết định theo cha và các anh làm du kích, trực tiếp cầm súng chiến đấu tại quê hương mình. Nhờ thông minh, nhanh nhạy nên cấp trên đã cho bà đi học quân y. Dù lúc ấy, cân nặng chỉ tầm 40kg, nhưng nhiều lúc bà Dưỡng phải mang dụng cụ y tế và cõng thương binh nặng gấp rưỡi cơ thể mình, vượt qua làn đạn của kẻ thù để về trạm xá. Sự nhanh nhẹn và đôi bàn tay vàng của cô gái quân y đã cứu sống rất nhiều thương binh.

Từ năm 1968 đến 1971, nữ quân y Dương Thị Dưỡng trở về công tác tại địa phương, nhiều lần bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng với tinh thần can trường, bọn địch đã không thể buộc tội bà. Sau khi được thả, bà tiếp tục hoạt động cách mạng tại Đà Nẵng cho đến ngày đất nước giải phóng. Với những chiến công lập được, bà Dương Thị Dưỡng được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều huân huy chương khác.

Sau chiến tranh, mặc dù vẫn mang trên mình bao vết thương nhưng CCB Dương Thị Dưỡng vẫn không nghỉ ngơi, luôn cố gắng làm được việc có ích cho cộng đồng xã hội. Bà dành nhiều thời gian giúp sức cho hội viên phát triển kinh tế khi đứng ra quản lý nguồn vốn vay hơn 1,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nặng lòng với những đồng đội đã hy sinh, bà Dưỡng còn tích cực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn. Cùng bà Dưỡng ra cánh đồng làng Đông Hồ để xác định tọa độ hài cốt liệt sĩ, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, dù tuổi đã cao nhưng bước chân bà vẫn thoăn thoắt và nhớ khá chính xác những vị trí chôn cất liệt sĩ trước đây, dù thời gian đã làm thay đổi địa hình địa vật rất nhiều.

Bà Dưỡng cho biết: “Cứ xem chương trình nhắn tìm đồng đội là bản thân tôi lại xúc động vô cùng. Mong muốn mình có thể đủ khỏe mạnh để đi tìm các đồng đội đã hy sinh…”.

Khi người lính trở về

Tại khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc, CCB Lê Văn Cam được biết đến không chỉ là người lính anh dũng mà còn là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi thời bình.

unnamed-1-(1).jpg
CCB Lê Văn Cam (áo xanh) tặng quà cho các cụ già neo đơn tại địa phương. ẢNH: MẾN NGUYỄN

Năm 1982, Lê Văn Cam tạm biệt gia đình, đặc biệt là người vợ mới cưới lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào Quân khu 5 thuộc phòng kỹ thuật quản lý vũ khí và được điều động đến một số đơn vị khác. Ở trong môi trường quân ngũ, qua rèn luyện, thử thách, ông Cam đã nhanh chóng trưởng thành, được cấp trên khen tặng chiến sĩ thi đua, cử làm Bí thư Chi đoàn phòng Hậu cần - Tỉnh đội Lâm Đồng và sau đó được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đến năm 1986 ông xuất ngũ về lại địa phương, sau đó mạnh dạn vay vốn và nguồn tích góp của gia đình đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Ông đầu tư mua sắm phương tiện máy cày và máy gặt liên hợp vừa giải quyết công việc nhà và làm dịch vụ cho nông dân trong vùng.

Ông là người đi tiên phong nhận hơn 1 mẫu ruộng người dân bỏ hoang để sản xuất, mỗi năm thu về từ 20 - 25 tấn thóc, chi phí còn lại lãi từ 50 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, ông còn nuôi cá, heo, gà, vịt và sản xuất rau màu cùng với gia đình, mỗi năm đem về tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lại lãi ròng hơn 300 triệu đồng.

Bản thân ông tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cảm hóa thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật hoàn lương, tiến bộ.

Thành công với mô hình phát triển kinh tế, CCB Lê Văn Cam luôn tìm cách hỗ trợ đồng đội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời luôn chú trọng công tác thiện nguyện, sẻ chia với người dân khó khăn trên địa bàn. “CCB Lê Văn Cam là người luôn có trách nhiệm trong công việc và sống hết mình vì đồng đội. Dù trở về đời thường sau mấy chục năm, nhưng ở anh luôn toát lên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là gương sáng, đầy nghĩa tình mà các hội viên noi theo” - ông Nguyễn Phước Sáu - Chủ tịch Hội CCB thị xã Điện Bàn chia sẻ.

Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024, CCB thị xã Điện Bàn đã hiến 17.140m2 đất, di dời, tháo dỡ 3.737m tường rào cổng ngõ để mở rộng các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, tham gia 6.419 ngày công làm đường giao thông nông thôn. Thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tặng 1.728 suất quà trị giá 279 triệu đồng; xóa 13 nhà tạm cho CCB nghèo với tổng trị giá 614 triệu đồng; tổ chức gặp mặt, tọa đàm nói chuyện truyền thống cho 12.304 lượt đoàn viên,hội viên, học sinh tham gia...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cựu chiến binh Điện Bàn làm theo gương Bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO