Dự tính, đến cuối năm nay tổng thu ngân sách Điện Bàn hụt khoảng 879 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể cải thiện nếu ngay từ bây giờ các cấp ngành của tỉnh nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hụt thu ngân sách
Ngày 17/6/2024, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam thông báo tạm dừng hoạt động Dự án nhà máy bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam) tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Đây không chỉ là vấn đề của tỉnh khi một doanh nghiệp rời đi mà con mang đến sự “hụt hẫng” cho Điện Bàn bởi một phần nguồn thu ngân sách của thị xã đến từ Nhà máy bia Heineken Quảng Nam (năm 2024 Điện Bàn được giao thu 569 tỷ đồng).
Với tiến độ thu ngân sách như hiện nay, khả năng đến ngày 31/12/2024, ngân sách thị xã Điện Bàn sẽ hụt thu trong cân đối ngân sách khoảng 879 tỷ đồng (thu cân đối chi thường xuyên hụt thu khoảng 126 tỷ đồng); thu cân đối chi đầu tư (thu tiền sử dụng đất) dự kiến hụt khoảng 753 tỷ đồng, dẫn đến mất cân đối ngân sách, không đảm bảo chi thường xuyên.
Đồng thời, mất khả năng thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình, dự án, nguy cơ nợ khối lượng xây dựng cơ bản, các dự án phải dừng thi công, gây khó khăn trong công tác điều hành ngân sách.
Qua 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng nhẹ, doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng; sản xuất nông nghiệp ổn định… Dù vậy, hoạt động kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn.
Một số doanh nghiệp trong KCN thu hẹp sản xuất; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp hạn chế do hạ tầng kỹ thuật một số cụm chưa hoàn thiện; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động thương mại có xu hướng trầm lắng, tiêu dùng sụt giảm. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã khá thấp.
Tính đến ngày 20/6, thu ngân sách Điện Bàn đạt 902 tỷ đồng, bằng 26,18% dự toán và 81,38% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa gần 684 tỷ đồng, đạt 23,22% dự toán, bằng 84,15% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý gần 12 tỷ đồng (đạt 42,84%); thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương quản lý gần 3,3 tỷ đồng (đạt 44,74%); thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 240 tỷ đồng (đạt 28,42%); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh hơn 214 tỷ đồng (đạt 71,53%); thuế thu nhập cá nhân khoảng 89 tỷ đồng (đạt 55,66%); thu phí, lệ phí hơn 7 tỷ đồng (đạt 60,04%)… Đáng chú ý, thu tiền sử dụng đất chỉ khoảng 24/1.466 tỷ đồng, đạt 1,62% so với dự toán.
Tập trung tăng thu
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, địa phương đang tập trung các giải pháp tăng thu ngân sách. Để thực hiện thành nhiệm vụ này, bên cạnh kiến nghị tỉnh xử lý vấn đề hụt nguồn thu, thị xã sẽ tổng rà soát các dự án do Điện Bàn làm chủ đầu tư (khoảng 300 tỷ đồng). Theo đó, sẽ tập trung hoàn chỉnh các dự án bất động sản và tổ chức đấu giá, cố gắng đến cuối năm thu từ 200 - 300 tỷ đồng.
“Năm 2024, Điện Bàn được tỉnh giao thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Đến nay các chỉ tiêu về thu tiền sử dụng đất và thuế thu nhập đặc biệt từ nhà máy bia (chiếm hơn 50% dự toán thu được giao) xem như không đạt.
Trong khi đó, Điện Bàn vẫn phải thực hiện những khoản chi cho các hoạt động, sự kiện lớn như kỷ niệm 70 năm chiến thắng Bồ Bồ, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân… Do đó, thị xã sẽ phải thực hiện triệt để tiết kiệm, dừng hết những khoản chi không cần thiết và những khoản đầu tư xây dựng cơ bản… ” - ông Trần Úc thông tin.
Để cân đối ngân sách, thời gian qua thị xã đã có văn bản kiến nghị tỉnh xem xét, hiện UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT và Sở Tài chính tính toán, điều tiết bổ sung thêm nguồn thu để bù thu nguồn thuế thu nhập đặc biệt từ nhà máy bia.
Riêng nguồn thu từ thuế đất, ông Trần Úc đề nghị tỉnh cần xem xét gia hạn các dự án bất động sản của Điện Bàn (hiện mới gia hạn khoảng 30 dự án trong số gần 70 dự án bất động sản nhà ở và đô thị trên địa bàn thị xã).
Đặc biệt, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sửa đổi quy định về việc dự án phải hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng mới giao sổ đỏ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể vay được tiền ngân hàng.
“Chỉ cần sớm có giải pháp tháo gỡ 2 vấn đề này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giao đất, lúc đó thị xã mới có thể hoàn thành mục tiêu thu 1.466 tỷ đồng tiền thuế đất” - ông Úc nói.
Để đảm bảo công tác điều hành, cân đối thu chi ngân sách và giải quyết những khó khăn trong đầu tư xây dựng, thanh toán nợ, tiếp tục triển khai các dự án dở dang, nhất là các dự án trọng điểm, UBND thị xã Điện Bàn cũng sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét có văn bản trình HĐND tỉnh điều chỉnh giao chỉ tiêu dự toán ngân sách nhà nước và tỷ lệ điều tiết ngân sách thị xã. Đặc biệt, xem xét bổ sung ngân sách tỉnh cho thị xã Điện Bàn trong năm 2024.