Xây dựng sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu sâm Việt Nam là câu chuyện đang được đặt ra với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, rất cần sự vào cuộc từ chính sách của nhà nước, sự chung tay của nhân dân, nguồn lực của doanh nghiệp... nhằm đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh vươn tầm quốc tế.
Những khuyến nghị
Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam, có hai vấn đề thiết yếu liên quan đến cây sâm Ngọc Linh mà các nhà khoa học rất mong mỏi thực hiện nhưng nằm ngoài tầm tay. Đó là hạ thấp độ cao trồng sâm Ngọc Linh để có thể mở rộng vùng trồng, gia tăng sản lượng.
Theo bà Liên, “quốc bảo” với một sản lượng nhỏ, không đủ dùng trong nước thì lấy đâu ra để xuất khẩu.
“Nếu áp dụng công nghệ gen và công nghệ tế bào, đơn vị chúng tôi có khả năng can thiệp để cây sâm Ngọc Linh có thể được trồng ở dưới vùng thấp hơn, với các chỉ tiêu dược tính tương đương. Nhưng, các vấn đề pháp lý liên quan rất khó khăn” - bà Liên nói.
Theo Bộ NN&PTNT, ước tính nhu cầu vốn thực hiện “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” là 70.900 tỷ đồng (ngân sách trung ương 5.746 tỷ đồng, vốn ngân sách các địa phương 5.000 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 60.154 tỷ đồng). Phấn đấu bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên, trong đó có 25.900ha sâm Ngọc Linh; sản lượng khai thác sâm đạt khoảng 500 - 700 tấn, đảm bảo chất lượng được phân cấp rõ ràng, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO. Có tối thiểu 5 cơ sở, nhà máy sơ chế và chế biến sâu sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP - WHO. Có 50 - 100 sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, trong đó có sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, vấn đề tăng hiệu quả hấp thụ tinh chất sâm bằng các công nghệ chiết xuất hiện đại thì Viện Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam có thể làm được nhưng cần đầu tư các nhà máy chế biến, chiết xuất với công nghệ hiện đại, kinh phí lớn nên khó hiện thực.
Trước mắt, để bảo vệ “quốc bảo”, bà Liên khuyến nghị cần có một ngân hàng lưu trữ nguồn gen giống hàng trăm năm sau vẫn được tiếp cận đúng nguồn gen giống gốc.
Trước khi mở rộng vùng trồng, mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý của cây sâm Ngọc Linh thì cần phải xây dựng một “Hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt” được số hóa, mã hóa cho cây sâm Ngọc Linh với những quy định cụ thể và chi tiết về quy trình trồng, chăm sóc, lấy giống, nhân nuôi, bảo tồn, lưu giữ, chế biến, thương mại...
Việc này nhằm đảm bảo rằng, sau một thời gian nhân rộng và sinh trưởng, cây sâm Ngọc Linh vẫn lưu giữ được những giá trị riêng có quý giá của nó, với những hàm lượng văn hóa phi vật thể đi cùng với nó không bị mai một.
Cùng với đó, cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh. Khuyến khích và đầu tư nguồn lực của Nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội, có giá trị thương mại cao cấp toàn cầu để khẳng định thương hiệu tài nguyên thiên nhiên - con người Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới.
Nhiều ý kiến khác tại hội thảo mới đây ở Quảng Nam đều khuyến nghị đầu tư phát triển sâm nên thực hiện từng bước vững chắc và hiệu quả, gắn việc đầu tư phát triển với bảo tồn, bám sát yêu cầu là thương hiệu quốc gia có giá trị vượt trội, ưu việt.
Cần có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đầu tư trong lĩnh vực sâm nói riêng và các loại dược liệu khác nói chung. Có cơ chế thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ sâm; khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ các địa phương xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch sâm… phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tiếp cận thị trường thế giới.
Tạo đòn bẩy phát triển
Bộ NN&PTNT đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo đề án “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chương trình này có nhiều dự án thành phần quan trọng với nguồn lực đầu tư khá lớn, hy vọng sẽ tạo động lực phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, đề án “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” đã cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông Doanh nói: “Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người làm rừng. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bảo đảm quốc phòng - an ninh”.
Hiện có 5 dự án khoa học công nghệ và 10 nhiệm vụ thuộc dự án khoa học công nghệ sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum do Bộ KH-CN chủ trì thực hiện.
Trong khi đó, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã triển khai 6 đề tài nghiên cứu trong giai đoạn 2005 - 2020 về xây dựng quy trình nhân giống từ hạt, quy trình trồng dưới tán rừng tự nhiên, chăm sóc và thu hoạch hạt giống. Giai đoạn 2022 - 2025 tiếp tục triển khai 3 đề tài, tập trung vào khảo nghiệm giống, xây dựng cơ sở dữ liệu sinh học phân tử.
Ông Vũ Thành Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay, về phát triển vùng trồng, Quảng Nam đã triển khai với diện tích 5.000ha sâm Ngọc Linh với sự tham gia của 20 doanh nghiệp và 2.500 hộ dân, nhóm hộ.
“Đáng ghi nhận là từ nhiều nguồn vốn huy động, thời gian qua, Quảng Nam đã đầu tư gần 386 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại vùng sâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất” - ông Nam nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đang hướng đến việc cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu. Vì vậy rất cần các bộ, ngành cũng như những vùng phụ cận bàn bạc, đề xuất, thảo luận, cùng nhau định hướng, tìm ra những giải pháp nhằm phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm thương hiệu sâm quốc gia Việt Nam, là “quốc bảo” cần được bảo vệ. Từ đó mới có thể đột phá trong thu hút các nhà đầu tư có năng lực phát triển sản xuất theo quy mô công nghiệp gắn với chế biến sâu nhiều loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Đồng thời, có thể nuôi trồng, sản xuất và chế biến, thương mại sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Quảng Nam và vùng phụ cận cần sự hỗ trợ tích cực trong xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển rừng bền vững gắn với du lịch xanh, tạo sinh kế cho người dân tại các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và xây dựng chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh, xây dựng vườn giống quốc gia cũng như hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh, với sản phẩm chủ lực là sâm Ngọc Linh.