Quy hoạch - Đầu tư

Đô thị Hội An ứng phó biến đổi khí hậu: Dự lường trong quy hoạch chung

QUỐC TUẤN 22/06/2024 08:30

(Đặc san 21/6) - Quy hoạch TP.Hội An đặt mối quan tâm đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, bởi Hội An được nhận định là một trong những nơi dễ hứng chịu tổn thương trước hiểm họa thiên tai.

dji_0438.jpeg
Vấn đề bảo tồn, khai thác hợp lý các cồn bãi được chú trọng trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Q.T

Đô thị dễ tổn thương

Hội An vốn được mệnh danh là vùng đất “hội nhân - hội thủy - hội văn”. Việc hội thủy qua hàng thế kỷ đã mang đến nhiều cơ hội để phát triển và định vị giá trị thương hiệu toàn cầu cho đô thị cổ này nhưng cũng mang lại không ít nguy cơ.

Hàng chục năm nay, Hội An là “điểm nóng” về sạt lở bờ biển và đến nay khoảng 7km bờ biển vẫn chưa yên trước những con sóng dữ. Chưa kể, thiên tai cũng khiến Cù Lao Chàm đối mặt với nhiều hình thái sạt lở núi, bờ biển rất nguy hiểm trong những năm gần đây.

Là nơi hội tụ của các dòng sông với đặc trưng nhiều khu vực thấp trũng, nên dù có nhiều nỗ lực thích ứng thì một số khu vực dọc sông Hoài, Cẩm Kim, Cẩm Nam… vẫn thường xuyên bị tác động.

Theo các chuyên gia trong Liên danh tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An, điểm yếu của Hội An là hệ sinh thái đang bị đe dọa ở mức cao do tác động của nhiều hình thái thiên tai xói mòn bờ biển, lũ lụt, triều cường, nước biển dâng…

Theo nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trải khắp TP.Hội An có đến 4 khu vực nhạy cảm, dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, gồm vùng thấp trũng ven sông; vùng bờ biển, cửa sông ven biển; vùng lõi khu phố cổ Hội An và Cù Lao Chàm. Nếu không quản lý tốt thì sẽ rất khó phục hồi và có thể tác động lớn đến sự phát triển của đô thị cổ.

“Ngoài ra, với vùng ven nơi đang còn lưu giữ được vùng cảnh quan đồng lúa thì phải cố gắng bảo tồn nguyên vẹn bởi nếu chỉ giữ vùng lõi của ruộng mà không giữ được vùng cảnh quan thì cũng vô nghĩa, mất đi giá trị riêng có của đô thị Hội An” - ông Lê Trí Thanh nói.

Với giá trị to lớn của một đô thị di sản, thời gian qua Hội An được quan tâm đầu tư công trình và phi công trình để ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài chuỗi dự án ứng phó sạt lở bờ biển thì nổi bật là Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An” với 6 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.858 tỷ đồng, triển khai từ năm 2015 đến nay.

Tuân thủ nguyên tắc nương tựa tự nhiên

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy đều xác định phát triển Hội An trở thành đô thị mang tính chất “sinh thái, văn hóa, du lịch”.

020b25b7-9791-4de1-a585-f96f297dae13.jpeg
Nhiều tuyến đường trong khu phố cổ Hội An thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Ảnh: Q.T

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong các chiến lược phát triển đô thị được hoạch định trong đồ án thì chiến lược phát triển hệ sinh thái, bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An được ưu tiên.

Ông Sơn cho biết, theo chiến lược này thì thành phố sẽ tập trung bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn dừa nước và thảm thực vật ven sông để tăng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu.

Đồng thời thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên để chống xói lở bờ biển, thiết lập không gian công cộng dọc theo bờ biển, phát triển các hành lang sinh thái kết hợp công viên cảnh quan trên các đảo và bờ sông để làm nổi bật cảnh quan châu thổ của Hội An.

Các bãi bồi, cồn nổi có thể xem là “đặc sản” trời phú cho Hội An. Vấn đề bảo tồn, khai thác hợp lý các cồn bãi này cũng được chú trọng trong bản quy hoạch chung thành phố sắp phê duyệt.

KTS.Lương Ngọc Trung (chuyên gia quy hoạch, đại diện Liên danh tư vấn Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An) cho hay, ba cồn có diện tích lớn và đáng chú ý nhất của Hội An là cồn Ông Hơi, cồn Thuận Tình, cồn Nam Ngạn.

Ông Trung nói: “Qua khảo sát, đánh giá thì chúng tôi đưa ra phương án là khi khai thác sau này chỉ sử dụng 15% đất tự nhiên đối với Thuận Tình và Nam Ngạn, sau đó khống chế tiếp mật độ xây dựng dưới 30% (tức diện tích phát triển chỉ chiếm 5% diện tích tự nhiên). Riêng với cồn Ông Hơi thì chỉ cho phép khai thác 10% đất tự nhiên và khống chế mật độ xây dựng 30% nên diện tích khai thác chỉ chiếm 4% đất tự nhiên”.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An cũng đưa ra nhiều khung định hướng quan trọng về hạ tầng để ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, sẽ quy hoạch thoát lũ vùng Đông Quảng Nam và tính toán lũ sớm cho TP.Hội An; nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống thoát lũ, hạn chế lũ cũng như cảnh báo thông minh lũ cho vùng; xây dựng kịch bản sống chung với lũ cho Hội An…

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, có thể xem Hội An là “thành phố của các dòng sông và mặt nước”.

Hội An đang sở hữu tài nguyên hệ sinh thái mặt nước quý báu, đa giá trị và là một nền tảng để tạo đột phá mới trong tương lai nhưng cũng phải cẩn trọng trong quá trình khai thác, phát triển. Cần phải có một kịch bản tổng thể trong việc thích ứng biến đổi khí hậu cho đô thị cổ Hội An để di sản này được trường tồn.

Hội An phát triển đô thị về phía tây thành phố

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: đến năm 2035, Hội An có dân số khoảng 160 nghìn người, đến năm 2050 có khoảng 230 nghìn (tính cả dân số quy đổi). Định hướng phát triển đô thị chủ yếu về phía tây thành phố (phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà).

Quy hoạch chung thành phố sẽ chia Hội An thành 7 phân khu gồm: khu đô thị dịch vụ di sản, khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa – dịch vụ, khu phát triển mới đô thị và nông thôn, khu đô thị dịch vụ di sản, khu đô thị gắn với cảnh quan sông nước, khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển, khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị Hội An ứng phó biến đổi khí hậu: Dự lường trong quy hoạch chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO