(QNO) - Nhật Bản chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản cao nhất kể từ năm 2013 do ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí tăng cao và thiếu hụt lao động.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Teikoku Databank vào ngày 8/10 vừa qua, khoảng 4.990 doanh nghiệp tại Nhật Bản phá sản trong 6 tháng đầu năm tài chính 2024 (từ tháng 4 đến tháng 9), tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Việc gia tăng các vụ phá sản một phần phản ánh tác động của giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng đến doanh nghiệp quy mô nhỏ. Báo cáo cho thấy, có kỷ lục 472 trong số 4.990 doanh nghiệp nêu lý do chính dẫn đến phá sản là lạm phát, đồng yên Nhật yếu làm tăng chi phí nhập khẩu cho mọi thứ từ thực phẩm đến năng lượng.
Lĩnh vực xây dựng, sản xuất, hậu cần và bán lẻ nằm trong số các ngành có số lượng vụ phá sản do chi phí cao nhất.
Ngoài giá cả tăng cao, có kỷ lục 163 doanh nghiệp nêu lý do gặp khó khăn do tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản vẫn ở mức dưới 3% trong hơn 3 năm - mức thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp, số lượng doanh nghiệp phá sản do thiếu hụt lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 đạt mức cao kỷ lục mới kể từ khi Teikoku Databank bắt đầu khảo sát vào năm tài chính 2013.
Báo cáo tiếp tục cho biết tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản bắt đầu xuất hiện trong và sau đại dịch COVID-19 và hiện bắt đầu gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động quản lý doanh nghiệp.
Thị trường lao động thắt chặt hơn gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải tăng lương để giữ chân nhân viên, khiến ngân sách doanh nghiệp thêm căng thẳng.
Trong khi một số công ty Nhật Bản thành công trong việc đề xuất mức tăng lương hơn 5% cho người lao động trong các cuộc đàm phán lương vào đầu năm nay để giữ chân và thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ báo cáo những khó khăn trong chính sách tăng lương này.
Một rủi ro tiềm ẩn khác đối với doanh nghiệp là chi phí trả nợ cao hơn sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 7/2024. Một số ngân hàng lớn và khu vực thông báo tăng lãi suất cho vay đối với một số khoản vay ngắn hạn.
Chỉ số giá hàng hóa công ty (CGPI)- đo lường sự thay đổi trong giá bán hàng hóa được mua bởi các công ty Nhật Bản - tăng 2,8% vào tháng 9 vừa qua so với cùng kỳ năm trước, vượt quá dự báo trung bình của thị trường là tăng 2,3%.