Nhật Bản và Hàn Quốc đang nỗ lực để hồi sinh, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của dân tộc thiểu số của các quốc gia này, trước nguy cơ biến mất.
Ngày nay, trong bản đồ ngôn ngữ bị đe dọa trên thế giới của UNESCO, tiếng Ainu được xếp vào diện “cực kỳ nguy cấp”. Người Ainu là tộc người bản địa chủ yếu sinh sống ở tỉnh Hokkaido - hòn đảo chính ở cực Bắc của Nhật Bản. Tộc người Ainu có ngôn ngữ, lịch sử phát triển và văn hóa riêng biệt.
Vào thời kỳ Minh Trị thế kỷ 19, các chính sách đồng hóa đe dọa đời sống và ngôn ngữ của dân tộc thiểu số Ainu. Sau khi Đạo luật bảo vệ cựu thổ dân Hokkaido ban hành vào năm 1899, học sinh người Ainu được yêu cầu học tiếng Nhật.
Cuộc khảo sát của Hiệp hội Ainu tiến hành 7 năm một lần cho thấy năm 2017, tộc người Ainu ước tính có khoảng 13 nghìn người - ít hơn khoảng 3.700 người so với 7 năm trước đó. Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản chi hàng triệu USD để hỗ trợ người thiểu số và nền văn hóa Ainu.
Đáng chú ý, năm 2020, Công viên và bảo tàng quốc gia Ainu hay còn gọi là Upopoy - thuật ngữ Ainu có nghĩa “Hát đồng ca” mở cửa. Đây là nơi quảng bá văn hóa, lịch sử của người Ainu, hồi sinh tiếng Ainu, đã thu hút hơn một triệu du khách gần xa tham quan. Bảo tàng có 6 khu trưng bày các chủ đề khác nhau với khoảng 10 nghìn hiện vật về văn hóa, lịch sử của Ainu.
Upopoy cũng tổ chức các hoạt động quảng bá tiếng Ainu. Tiếng Ainu được sử dụng là ngôn ngữ thứ nhất để hướng dẫn và thông tin về bảo tàng.
Thầy giáo Kenyu Yamamaru (30 tuổi) dạy tiếng Ainu làm việc tại Upopoy chia sẻ, ông có thể biểu diễn các tác phẩm từ truyền thống kể chuyện cổ xưa của người Ainu, đặc biệt có bản ghi âm do ông nội là người Ainu để lại.
Thầy Kenyu Yamamaru được xem là một trong những người góp phần hồi sinh văn hóa Ainu. “Việc quảng bá văn hóa, ngôn ngữ Ainu trong đa dạng bản sắc Nhật Bản là niềm tự hào về cội nguồn dân tộc. Rất vui vì văn hóa Ainu gồm ngôn ngữ này đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn” - thầy Yamamaru nói.
Ngoài ra, một xe đưa đón nhân viên tại Đại học Hokkaido ở thành phố Sapporo cũng chạy thông báo bằng tiếng Ainu.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, cách Hokkaido gần 2.000km, hòn đảo Jeju đang nỗ lực đảo ngược sự suy tàn của ngôn ngữ Jeju-eo trên đảo. Từng là một phần không thể tách rời của bản sắc hòn đảo núi lửa Jeju, tiếng Jeju-eo là “ngôn ngữ cực kỳ nguy cấp” vào năm 2010.
Ngày nay, chủ yếu còn sót lại người cao tuổi ở Jeju nói tiếng Jeju-eo. “Rất nhiều ngôn ngữ biến mất. Ngay cả cháu tôi cũng không thể nói ngôn ngữ của Jeju” - bà Lee Jung-hee (78 tuổi) chia sẻ.
Dù cả tiếng Jeju-eo và tiếng Hàn chuẩn đều bắt nguồn từ bảng chữ cái Hangul của Hàn Quốc ra đời vào thế kỷ 15 nhưng hiện người dân đảo Jeju bắt đầu học tiếng Hàn chuẩn và hiện chủ yếu nói tiếng Hàn chuẩn “pha trộn” với một ít từ ngữ Jeju-eo.
YouTuber Kim Hong-gyu (29 tuổi) ở Jeju đang cố gắng giữ cho tiếng Jeju-eo tồn tại. Kim đi khắp đảo để nói chuyện với người cao tuổi về thơ ca và cuộc sống thường ngày ở đảo Jeju bằng ngôn ngữ Jeju-eo.
Kênh YouTube của Kim Hong-gyu gây tiếng vang khi đón nhận sự ủng hộ nồng nhiệt của nhiều người xem. Các video mà Kim xây dựng là những ghi chép vô giá để thế hệ tiếp theo giữ gìn ngôn ngữ Jeju-eo.
Chưa kể, tại Trường tiểu học Shinjeju - một trong những trường lớn nhất trên đảo Jeju, chương trình giáo dục ngôn ngữ Jeju-eo có trong tiết học chính, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và câu lạc bộ của nhà trường.