Với những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà, nhất là lịch sử - xã hội và nền hành chánh đầu thời Nguyễn, thì “Hành chánh của triều đại Gia Long” là một cuốn sách đáng đọc.
Bắt đầu từ tiểu luận
Trước Tết Canh Thìn, Trần Thanh Hòa - bạn của tôi từ Mỹ về Huế đón Tết cùng gia đình và mang cho tôi cuốn tiểu luận cao học Sử, có tựa đề “Hành chánh của triều đại Gia Long (1802 - 1819) - 嘉隆朝代行政本”. Đây là tiểu luận do ba của anh là thầy giáo Trần Thanh Niên (đã mất), đệ trình cho Hội đồng giám khảo Viện Đại học Huế vào năm 1974, để nhận bằng cao học Sử.
Tôi đã dành trọn ba ngày đọc cuốn Tiểu luận này, và nhận thấy đây là một biên khảo sử học rất giá trị.
Ngoài Lời cam đoan về liêm chính học thuật, lời tri ân Hội đồng giám khảo và gia đình; các thủ tục cần có của một tiểu luận cao học ở phần đầu; Tài liệu tham khảo, Tổng mục và Index ở phần sau, cuốn tiểu luận có 4 phần chính.
Ở phần dẫn nhập với tựa Công nghiệp của hoàng đế Gia Long đã giới thiệu nguyên nhân tác giả chọn đề tài này để viết tiểu luận cao học Sử, phương thức soạn thảo, phương pháp áp dụng trong biên khảo, bố cục tiểu luận, và sơ lược về tiểu sử và công trạng của hoàng đế Gia Long.
Với phần thứ nhất “Cơ cấu, tổ chức nền hành chánh triều đại”, tác giả phân tích nguồn gốc đế quyền của hoàng đế Gia Long, tính chính danh của triều đại thông qua các lễ nghi đầu triều Nguyễn; việc cải tổ và phát triển nền hành chánh, cơ cấu tổ chức và bộ máy hành chánh từ trung ương đến địa phương dưới triều Gia Long (1802 - 1819).
Phần thứ hai “Phương thức điều hành và hoạt động của nền hành chánh triều đại”, tác giả giới thiệu đại cương những nguyên tắc hành chánh căn bản của triều đại Gia Long, khảo luận về hoạt động của nền hành chánh thông qua thẩm quyền, hoạt động của Lục bộ và của các cơ quan chuyên biệt như Cục Bảo tuyền, Nha đê chính và hoạt động thi cử để tuyển chọn hiền tài phục vụ cho triều đình.
Phần thứ ba “Tuyển chọn - giám sát quan lại” nhận xét về nền hành chánh triều đại, tác giả giới thiệu về thể thức tuyển dụng và giám sát quan lại; vai trò của các cựu thần nhà Tây Sơn và dòng dõi cựu thần nhà Lê trước đây trong bộ máy hành chánh của triều Gia Long; đánh giá, nhận định về thành tựu và hạn chế của bộ máy hành chánh này, cũng như vai trò tổ chức và điều hành của hoàng đế Gia Long với bộ máy quan liêu và cơ cấu hành chánh đó.
Tư liệu sử học phong phú
Thầy giáo Trần Thanh Niên đã xử lý một khối lượng tư liệu sử học, từ tư liệu tiên nguyên bằng chữ Hán, chữ Pháp, đến các tài liệu thứ cấp bằng chữ Anh, chữ Việt… để phân tích, phản biện và sử dụng trong tiểu luận này.
Tác giả tiểu luận đã áp dụng phương pháp nghiên cứu sử học rất tiến bộ vào thời điểm đó (1974), với một thái độ khách quan và tinh thần khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ.
Ông làm chủ một nguồn sử liệu phong phú, tin cậy, tiến hành nghiên cứu và khảo luận về thân thế, công nghiệp của vị vua sáng lập vương triều Nguyễn; về tính ưu việt và những hạn chế của nền hành chánh của triều đại Gia Long; về những khó khăn mà vua Gia Long và đình thần đã gặp phải khi xây dựng bộ máy hành chánh và thực thi nền hành chánh đó.
Đồng thời ông đưa ra đánh giá về những thành tựu mà nền hành chánh ấy đã đạt được trong công cuộc kiến thiết quốc gia, tổ chức xã hội, phục hồi kinh tế và an dân sau thời kỳ biến loạn.
Đó là những ưu điểm nổi bật của cuốn Tiểu luận, mà khi gấp trang cuối cùng lại, tôi đã lắng lòng một lúc để bày tỏ sự trân trọng đối với công trình học thuật của một nhà giáo xứ Huế.
Phải mất gần 6 tháng, tôi và đồng nghiệp Nguyễn Phúc Quân ở Trường Đại học Đông Á, với sự hỗ trợ của TS. Nguyễn Duy Chính (ở Califonia, Hoa Kỳ) và TS. Võ Vinh Quang (ở Huế, Việt Nam) để đánh máy, biên tập, rà soát các chữ Hán, phiên âm Hán - Việt, hiệu đính dịch thuật, bổ chú sử liệu… cho cuốn tiểu luận, nhằm chuyển thể thành một cuốn biên khảo sử học rất giá trị về nền hành chánh nói riêng, về lịch sử - xã hội Việt Nam nói chung dưới sự trị vì của hoàng đế Gia Long, người sáng lập vương triều Nguyễn (1802 - 1945).
Với sự quý mến dành cho người bạn Trần Thanh Hòa và các thành viên trong gia đình của anh; sự kính trọng đối với cố nhà giáo Trần Thanh Niên - người đã giữ thái độ khách quan, tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, để hoàn thành một biên khảo có giá trị học thuật, sử liệu và văn hóa ở trong cuốn Tiểu luận “Hành chánh của triều đại Gia Long (1802 - 1819) - 嘉隆朝代行政本”, tôi và những bằng hữu thân thiết đã hoàn thành việc chuyển đổi cuốn Tiểu luận thành sách, được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (Hà Nội) nhận biên tập và cấp phép xuất bản.
Đến nay, cuốn sách “Hành chánh của triều đại Gia Long (1802 - 1819) - 嘉隆朝代行政本”, dày 354 trang đã chính thức phát hành trong toàn quốc.