(QNO) - Vì muốn lưu truyền và phát triển gạo đỏ Ra Ma đạt chuẩn OCOP 3 sao, chính quyền xã Trà Nú vận động người dân tăng gia sản xuất giống lúa đặc trưng của đồng bào Co giữa núi rừng Bắc Trà My.
Lất phất mưa bay những ngày cuối năm, cánh đồng quê xã Trà Nú vẫn đông đúc người cày bừa chuẩn bị vào vụ đông - xuân. Năm nay, người dân nơi đây trồng lúa đỏ Ra Ma nhiều hơn.
Từ giống lúa đỏ Ra Ma đời ông bà để lại, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo (thôn 1, xã Trà Nú) nay vẫn duy trì trồng trên 4 sào ruộng của mình. Ông Thảo cho biết, thời gian sinh trưởng của loại lúa đỏ này là 3 tháng. Cách trồng đơn giản, cây lúa không sâu bệnh, phát triển tốt. Cũng khác với loại gạo đỏ trồng trên nương rẫy, gạo đỏ Ra Ma của đồng bào Co tại xã Trà Nú được cấy trồng dưới ruộng nước.
“Gạo đỏ thôn 1 có giá trị dinh dưỡng cao, cơm thơm và nấu rượu rất ngon. Vì thế giá thành cũng cao gấp 2 - 3 lần các loại gạo thông thường, bán ra 12.000 - 15.000 đồng/kg lúa và 30.000 đồng/kg gạo. Chính quyền địa phương mấy năm nay thường xuyên vận động chúng tôi trồng gạo đỏ Ra Ma đạt chuẩn OCOP” - ông Thảo nói.
Năm 2022, gia đình bà Hồ Thị Ngọc Thảo (thôn 1, xã Trà Nú) cũng bắt đầu mua giống lúa đỏ của đồng bào Co về trồng. Ưa chuộng, từ vài chục mét vuông, nay gia đình bà đã nhân rộng ra trồng 1 sào lúa đỏ Ra Ma.
Chia sẻ về một mùa bội thu, bà Thảo cho hay: “Lúc mới trồng, cây sinh trưởng đúng vào mùa mưa gió, thân cây cao mềm nên gãy đổ khá nhiều. Gia đình tôi thu hoạch không được bao nhiêu. Sau đó xã cử người hướng dẫn cho nchúng tôi cách giăng dây theo ô, khu để cây không ngã, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc. Đến giờ bà con vùng này làm cho năng suất cao, rất phấn khởi”.
Trong 445 hộ dân xã Trà Nú, vụ đông - xuân năm 2023 chỉ có 5 - 10 hộ trồng lúa đỏ Ra Ma. Đến vụ hè - thu năm 2024 đã có 70 - 80 hộ trồng loại lúa đỏ này. Năm 2024, sản lượng lúa đỏ đạt khoảng 2 tấn trên toàn xã, cho năng suất cao, đạt 40 - 42 tạ/ha".
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú
[VIDEO] - Người dân thôn 1, xã Trà Nú phấn khởi sản xuất gạo đỏ Ra Ma
Ông Hiếu cũng cho biết, nếu duy trì sản xuất theo phong tục trước đây của người dân địa phương thì năng suất lúa không cao. Bởi người dân trồng không bón phân. Khi mùa mưa gió đến, thân cây lúa cao, mềm yếu dễ gãy đổ. Tập quán thả rông trâu bò cũng làm hư hại phần lớn ruộng lúa.
Để thay đổi hình thức sản xuất lạc hậu, chuyển biến phương thức sản xuất tự cung tự cấp thành sản xuất hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu thị trường tiêu thụ, xã Trà Nú đã “vào cuộc” nghiên cứu kỹ càng quy trình trồng trọt, sản xuất, thị trường thu mua, gây dựng niềm tin trong dân.
Đầu năm 2024, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân duy trì trồng giống gạo đỏ Ra Ma. Lồng ghép vào các cuộc hội họp mặt trận, đoàn thể, các buổi tuyên truyền bảo vệ lâm - khoáng sản, phát triển đời sống kinh tế - xã hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu… chính quyền xã Trà Nú hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng trọt, bón phân chăm sóc, giăng dây chống ngã…
Nhất là khi gạo đỏ Ra Ma được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đồng bào Co rất tự hào về giống gạo đặc trưng của mình. Người dân Trà Nú bắt đầu sản xuất loại gạo này nhiều hơn, giữ gìn nét đẹp văn hóa bản địa.
Gạo đỏ Ra Ma được trồng chủ yếu ở thôn 1, xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My. Đây là giống lúa bản địa của đồng bào Co, không pha trộn. Gạo đỏ Ra Ma có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa 468 kcal/100g năng lượng, carbohydrate chiếm 54,9%, protein chiếm 7,96%. Hạt gạo dạng dài, đều, màu tím đỏ với mùi thơm đặc trưng.
Thời gian tới, ông Hiếu cho hay sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa đỏ Ra Ma ra các thôn trên địa bàn xã, quảng bá rộng rãi sản phẩm đạt chuẩn OCOP tới người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, xã Trà Nú định hướng nghiên cứu, kiểm định các sản phẩm chế biến từ loại gạo đỏ Ra Ma này như ngũ cốc, sữa, rượu…
[VIDEO] - Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú: