Hơn 6 năm qua, huyện Bắc Trà My nỗ lực hỗ trợ các chủ thể phát triển được 25 sản phẩm OCOP, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết để phát huy tiềm lực này của địa phương.
Hỗ trợ phát triển sản phẩm
Từ hộ sản xuất - kinh doanh cá thể, tháng 10/2020 HTX Quế Trà My - Minh Phúc ở xã Trà Giang (Bắc Trà My) được thành lập. Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - đại diện HTX cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng phục vụ chế biến các dòng sản phẩm từ cây quế bản địa, những năm qua đơn vị liên kết với gần 30 hộ dân địa phương trồng 60ha quế.
Theo bà Lê, nhờ các ngành liên quan của huyện Bắc Trà My và chính quyền xã Trà Giang hỗ trợ nhiều mặt, năm 2019 sản phẩm tinh dầu quế của HTX Quế Trà My - Minh Phúc (khi đó còn là hộ sản xuất - kinh doanh cá thể) được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. HTX tích cực đầu tư nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã, năm 2021 sản phẩm tinh dầu quế Trà My được nâng hạng lên 4 sao OCOP cấp tỉnh.
“Hiện nay, bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường 150 lít tinh dầu quế Trà My và đạt doanh thu hơn 900 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm trên phạm vi cả nước nhưng trọng điểm là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…” - bà Lê chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My cho hay, từ năm 2019 - 2024, từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh và ngân sách huyện phân bổ, Bắc Trà My đã chi 3 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình OCOP. Phần lớn nguồn kinh phí nêu trên chủ yếu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu; mua sắm các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất...
“Tính đến đầu tháng 12/2024 trên địa bàn Bắc Trà My đã có 25 sản phẩm của 22 chủ thể là các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất - kinh doanh cá thể được UBND tỉnh và UBND huyện công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 24 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao” - ông Vương nói.
Theo ông Hoàng Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, việc thực hiện chương trình OCOP trong những năm qua đã khuyến khích các chủ thể sản xuất - kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống người dân. Cạnh đó, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo...
Nhiều hạn chế
Ông Nguyễn Hồng Vương nhìn nhận, mặc dù đạt được thành quả lớn nhưng thực tế những năm qua cho thấy việc thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Trà My vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, trừ HTX Quế Trà My - Minh Phúc, hầu hết chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ; năng lực quản lý cũng như am hiểu về các quy định liên quan đến việc sản xuất từng nhóm sản phẩm còn hạn chế; tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn, thiếu tính chủ động.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện hồ sơ, trình đánh giá, phân hạng sản phẩm của các chủ thể còn chậm so với kế hoạch. Việc đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP gặp khó do tiêu chuẩn đánh giá giai đoạn mới khắt khe hơn giai đoạn trước...
Ông Vương cho biết, thời gian tới Bắc Trà My sẽ triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất - kinh doanh.
Tập trung rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn huyện. Từ đó, tư vấn các chủ thể chọn ý tưởng sản phẩm và đăng ký tham gia chương trình OCOP, đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể xây dựng, triển khai phương án và kế hoạch sản xuất - kinh doanh…
Đặc biệt, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng những sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định và kiểm soát được quy trình sản xuất. Bao gồm đa dạng các dòng sản phẩm chế biến từ nguyên liệu cây quế Trà My, gạo đỏ Ra Ma, chè dây rừng Trà My, nấm lim xanh Bắc Trà My.
“Trong năm 2025, Bắc Trà My sẽ tiếp tục chi 500 - 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP, phấn đấu có thêm 5 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP. Địa phương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường” - ông Vương cho biết thêm.