Xuân này, hàng trăm hộ gia đình đồng bào Giẻ Triêng ở huyện miền núi Phước Sơn có thêm niềm vui mới khi đón Tết cổ truyền trong những căn nhà kiên cố vừa được hoàn thành thông qua chương trình xóa nhà tạm đầy ý nghĩa...
Nụ cười tháng Chạp
Tranh thủ chút tạnh ráo hiếm hoi sau đợt mưa dài, vợ chồng anh A Thin (ở thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, Phước Sơn) dọn dẹp đống vật liệu. Sau khoảng sân còn bộn bề cát đá, là căn nhà vừa mới hoàn thiện, thơm mùi sơn mới. Tiệc tân gia, đón niềm vui lớn những ngày cuối tháng Chạp sẽ được gia đình A Thin tổ chức vào vài ngày tới.
Gia đình anh A Thin thuộc diện hộ nghèo, trước đây vợ chồng anh và hai con nhỏ sống cùng với bố mẹ trong căn nhà gỗ tạm bợ, chỉ hơn 40m2. Nhiều lần vợ chồng đã có ý định sửa nhà, nhưng thu nhập từ nương rẫy rất ít, nên dành dụm mãi vẫn chưa đủ.
“Vừa qua, gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm, cộng ít tiền dành dụm, rồi vay thêm ngân hàng để xây nhà mới.
Dù chưa đầy đủ tiện nghi, nhưng có được căn nhà mới khang trang, kiên cố với diện tích gần 100m2 là ước mơ bao năm của cả gia đình. Bố mẹ tôi đã già, cả cuộc đời ở trong căn nhà gỗ chật chội. Xây được nhà mới, vợ chồng tôi sẽ đón bố mẹ về cùng ăn tết” - anh Thin chia sẻ.
Những nếp nhăn tuổi tác giãn ra theo cái cười hiền của bà Y Ming, mẹ anh A Thin. Bà Ming kể về những ngày sống trong căn nhà gỗ lợp tôn nằm chơ vơ giữa khoảng đất trống, không chỗ nào đủ lành lặn để ngăn gió lùa.
Sợ nhất là mùa mưa bão, cả gia đình nơm nớp âu lo, sợ căn nhà cũ đổ sập bất cứ lúc nào. Từng viên gạch được đặt lên trên nền nhà mới, niềm vui cũng cứ thế đong đầy dần trong lòng người già. “Bây giờ, không còn sợ nữa. Chúng tôi sẽ được ngủ ngon giấc trong nhà mới” - bà Ming tâm sự.
Hàng trăm hộ gia đình ở Phước Sơn đón niềm vui an cư ngay trong những ngày cuối tháng Chạp. Tại xã Phước Năng, gia đình chị Hồ Thị Trên (khu dân cư thôn 1) cũng tất tả dọn dẹp, trang trí tết trong căn nhà mới. Là hộ nghèo, chồng bị khuyết tật, nhờ chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, gia đình vay vốn thêm 100 triệu đồng, căn nhà kiên cố “như một giấc mơ thành sự thật” với chị.
Toàn huyện Phước Sơn có 1.270 căn nhà thuộc diện cần hỗ trợ, trong đó hơn một nửa cần xây mới, số còn lại sửa chữa lớn. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu xóa 650 nhà tạm, dột nát. Trong đó 400 nhà được hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn hỗ trợ của tỉnh, 250 nhà được hỗ trợ từ thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 111 của Quốc hội. Đến nay cùng với các nguồn xã hội hóa, huyện Phước Sơn đã xóa được khoảng 700 nhà, còn hơn 500 nhà phấn đấu xóa trong năm 2025.
Bước đệm thoát nghèo
Ông Hồ Văn Khu - Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết, xã đã đăng ký với huyện để xóa 86 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Mức kinh phí 60 triệu đồng còn khiêm tốn, nhưng đã thực sự là động lực để bà con mạnh dạn làm nhà.
“Tất cả hộ đăng ký đã hoàn thành nhà ở trước Tết Nguyên đán. Có nhà kiên cố, cuộc sống ổn định, bà con sẽ yên tâm làm ăn để phát triển kinh tế gia đình” - ông Khu nói.
Số tiền hỗ trợ đến đúng địa chỉ, nhanh chóng và kịp thời, giúp sức cho hàng trăm hộ dân ở Phước Sơn xóa nhà tạm. Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, trong năm 2024, địa phương triển khai cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào, gắn với vận động cải thiện chất lượng nhà ở.
“Chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương cải tạo nhà ở. Qua đó, đã có 630 hộ đăng ký, trong số đó có hơn một nửa là đăng ký sửa chữa nhà.
Vốn ngân sách tỉnh đã cấp theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ được 400 nhà, mỗi nhà được hỗ trợ 60 triệu đồng. Số còn lại, huyện đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để cấp trước cho nhân dân cải tạo nhà ở theo mức hỗ trợ của Quyết định số 90” - ông Lê Quang Trung thông tin.