(QNO) - Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cao điểm triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cả nước tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát với phương châm "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Chiều nay 12/1/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp thứ hai về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát với các địa phương, đơn vị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đồng chủ trì điểm cầu trung ương.
Ở điểm cầu Quảng Nam, các đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh; Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.
Cao điểm xóa nhà tạm
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có ý nghĩa hết sức quan trọng và đầy tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam.
Theo Thủ tướng, kể từ sau phiên họp thứ nhất đến nay, cả nước đã hoàn thành, bàn giao hơn 44.000 căn nhà và hiện nay đang xây dựng 34.200 căn. Từ nay đến cuối năm 2025 còn khoảng 240.000 căn nhà phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp (còn lại trên dưới 350 ngày).
Do vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình trong năm 2025, bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng. Thủ tướng đề nghị Bộ LLĐ-TB&XH, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình "đếm ngược hàng tuần" để công bố số liệu thực hiện để người dân kịp thời theo dõi, nắm bắt.
Các địa phương khẩn trương phê duyệt kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo, rà soát, thống kê đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổ chức giải ngân ngay đối với các nguồn lực được hỗ trợ, huy động. Ngoài ra, công tác hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực...
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó, 48.989 căn nhà đã khánh thành và 35.899 căn nhà được khởi công mới). Tết Nguyên đán 2025 này, dự kiến có nhiều hộ được đón tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang.
Quảng Nam quyết tâm cùng cả nước
Theo báo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam, thời gian qua, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 6.187/10.945 căn nhà, đạt 56,53% kế hoạch. Trong đó, xây mới 4.055 căn và sửa chữa 2.132 căn với tổng kinh phí gần 113,5 tỷ đồng. Năm 2025, Quảng Nam còn khoảng 4.758 căn nhà cần phải hoàn thiện, với kinh phí hơn 128,7 tỷ đồng...
Tại phiên họp, đại diện các địa phương tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong công tác triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nêu ý kiến, đề xuất hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để xác định đối tượng. Đồng thời tháo gỡ khó khăn về đất đai, khả năng đối ứng của hộ nghèo, cận nghèo, đảm bảo quá trình triển khai chương trình hiệu quả theo kế hoạch.
Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương các đơn vị, địa phương làm tốt trong công tác xóa nhà tạm thời gian qua. Đồng thời cho biết, nhờ sự chủ động, tích cực, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, cũng như phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần vào những thành quả bước đầu hết sức tích cực của chương trình xóa nhà tạm.
Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 240.000 căn nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát này, cần phát huy tinh thần, trách nhiệm "bằng cả trái tim, khối óc". Trong đó các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; huy động "ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có gì giúp nấy, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" để hoàn thành mục tiêu nhân văn, ổn định nhà ở cho người khó khăn trên phạm vi cả nước...
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay có 58/63 địa phương đã quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; 5/63 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu không thành lập Ban Chỉ đạo do các địa phương nàykhông còn nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay có 20 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu, trước và trong quý 3/2025; có 13 địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.