(QNO) - Đầu mùa khô hằng năm, người dân vùng cao huyện Tây Giang bắt đầu phát đốt nương rẫy, chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới. Đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến cháy rừng và xâm lấn rừng trái phép. Do đó, công tác tuyên truyền và giám sát, kiểm tra được các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc.
Theo tập quán canh tác của đồng bào Cơ Tu, cuối tháng Giêng là thời điểm phát đốt nương để gieo trồng lúa rẫy. Ông Lê Văn Hiếu - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang cho biết, việc phát đốt nếu bất cẩn sẽ rất dễ gây ra cháy rừng, nhất là thời điểm tiết trời hanh khô. Để ngăn ngừa các nguy cơ có thể dẫn đến cháy rừng, nhiều tuần qua, cán bộ nhân viên của ban phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền đến các cộng đồng. Đồng thời thường xuyên tuần tra các khu vực có nương rẫy người dân nằm gần khu vực rừng già, rừng đầu nguồn.
“Hiện nay, 1.834 hộ/10 xã đã tự nguyện làm đơn xin phát rẫy và ký cam kết không xâm lấn rừng. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy người dân đã ý thức cao trong việc bảo vệ rừng, không có tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng làm nương rẫy” - ông Hiếu cho biết.
Tại xã A Tiêng, một đội kiểm tra gồm công an, dân quân và Đoàn Thanh niên xã được thành lập để giám sát việc phát đốt nương rẫy của người dân và xử lý các tình huống cháy rừng bất ngờ xảy ra. Các lực lượng sẽ nắm bắt thời gian phát đốt của người dân, trực tiếp hướng dẫn cách khoanh vùng, dọn đường băng cản lửa và cách đốt an toàn để tránh cháy lan.
“Trước khi đốt rẫy phải đảm bảo có đường băng cản lửa khoảng cách 5-10m và dọn thực bì xung quanh. Lịch trình sử dụng lửa gần rừng, người dân sẽ đăng ký đầy đủ về thời gian, địa điểm và diện tích cho UBND xã, trưởng thôn, trạm quản lý bảo vệ rừng để được hướng dẫn, theo dõi và kiểm soát” - ông Ploong Acông, Chủ tịch UBND xã A Tiêng nói.
Cùng với việc huy động các lực lượng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng và chống xâm hại rừng, UBND huyện Tây Giang đang hoàn thiện quy hoạch 3 loại rừng và tổ chức cắm mốc, gắn biển để người dân nắm rõ và thực hiện tốt. Đồng thời vận động người dân thực hiện tốt các cam kết về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, bảo tồn đa dạng sinh học.
“Quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư chứ không riêng của ngành kiểm lâm. Địa phương nào lơ là trong khâu quản lý, để xảy ra cháy rừng, xâm lấn rừng già, rừng đầu nguồn và khai thác lâm sản trái phép thì phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy” - ông Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói.
[VIDEO] - Ông Lê Văn Hiếu - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang chia sẻ về công tác phòng chống cháy rừng vào mùa rẫy: