Sinh kế từ những khung dệt
(QNO) - Từ sự cần cù và đôi tay khéo léo, phụ nữ xã Dang (Tây Giang) đã từng bước thương mại hóa sản phẩm thổ cẩm, vừa phục vụ sinh hoạt, phát triển du lịch, vừa góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu.

Thương mại hóa thổ cẩm
Từ nhỏ, phụ nữ Cơ Tu đã quen với khung dệt. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ gia đình trong các dịp lễ hội truyền thống. Những năm gần đây, nghề dệt có nguy cơ mai một khi người trẻ không còn mặn mà, làng cũng thưa dần tiếng khung dệt lách cách.
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, năm 2023, Hội LHPN huyện Tây Giang triển khai mô hình “Phát triển nghề dệt thổ cẩm” tại xã Dang. Mô hình lấy tinh thần tự lực, hỗ trợ lẫn nhau của hội viên làm nền tảng để đổi mới sản phẩm, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, đến nay đã có 31 hội viên là người Cơ Tu tham gia mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Các thành viên tự nguyện đóng góp kinh phí để mua nguyên vật liệu như khung dệt, len sợi, cườm... Sau khi sản phẩm hoàn thiện, Hội LHPN huyện phối hợp Phòng GD-ĐT huyện khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn mặc trang phục truyền thống vào đầu tuần hoặc các dịp lễ. Đồng thời, liên kết với các điểm du lịch, không gian trưng bày của huyện để giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm như váy, vỏ chăn, cà vạt, ví...
“Dùng thổ cẩm trong sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp sản phẩm dễ tiếp cận thị trường, phù hợp thị hiếu du khách. Qua đó, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Cơ Tu và tạo thêm thu nhập cho hội viên” – bà Nem chia sẻ.
Cùng nhau gìn giữ
Để sản phẩm hấp dẫn khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Dang khuyến khích sự sáng tạo của từng thành viên. Chị Hối Thị Loi – Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, để hoàn thiện một sản phẩm thổ cẩm mất rất nhiều thời gian và công sức.
Dù hiện nay có thể dùng sợi len công nghiệp thay thế sợi tự nhiên, nhưng quá trình xử lý vẫn đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Len phải qua nhiều công đoạn như tách sợi, ngâm nước cháo, sáp ong, phơi khô... để hạn chế xù lông, đảm bảo độ bền. Khi sợi đã cứng lại, mới được cuộn tròn đưa vào khung dệt.

Công đoạn dệt yêu cầu sự khéo léo, tỉ mỉ và óc thẩm mỹ cao. Từng sợi len, từng hạt cườm được sắp xếp, tính toán kỹ lưỡng để làm nên hoa văn mang đậm bản sắc Cơ Tu. Một chiếc áo khoác nam hay váy nữ có thể mất từ vài tuần đến vài tháng để hoàn thiện, tùy theo kích cỡ và độ phức tạp.
Bà Alăng Thị Lư (50 tuổi, thôn Tưl, xã Dang) chia sẻ: “Tham gia tổ hợp tác giúp tôi có thêm thu nhập từ sản phẩm do mình làm ra. Quan trọng hơn là được giữ nghề, được thỏa sức sáng tạo trên từng tấm vải. Mong rằng khi sản phẩm được sử dụng rộng rãi, người trẻ sẽ thêm yêu thổ cẩm và tiếp nối nghề truyền thống”.

Hiện nay, đa số người có tay nghề dệt thổ cẩm ở Tây Giang đều lớn tuổi. Tuy nhiên, tín hiệu vui là khoảng 30% thanh niên địa phương đã biết nghề và có mong muốn tiếp nối. Hội LHPN huyện và UBND xã Dang đang tích cực tìm kiếm đầu ra, kết nối thị trường để sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu do chị em địa phương sản xuất ngày càng được biết đến rộng rãi.
[VIDEO] - Bà Bríu Thị Nem – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang chia sẻ về hình dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ xã Dang: