Đông Giang: Đa dạng sinh kế để giảm nghèo

KHẢI KHIÊM 28/06/2023 15:00

(PR) - Đông Giang đang khai thác tiềm năng và thế mạnh kinh tế nông - lâm nghiệp, đa dạng các mô hình sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo. 

Nhiều tổ chức trao sinh kế cho người dân nghèo ở Đông Giang. Ảnh: KK
Nhiều tổ chức trao tặng sinh kế cho người dân ở Đông Giang. Ảnh: KK

Chọn mô hình hỗ trợ thiết thực 

Theo ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang, thời gian qua, địa phương có nhiều cách đa dạng sinh kế cho nhân dân xoá đói giảm nghèo.

“Đầu tiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền vận động; chú trọng việc xét chọn đối tượng, mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, mô hình trồng cây keo, trồng rừng gỗ lớn, cây chuối, cây ớt A riêu, chè dây, nuôi heo cỏ địa phương..." - ông Thanh nói. 

Cùng với đó, Đông Giang triển khai các chương trình, chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đến các cộng đồng thôn đạt hiệu quả, như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mô hình trồng mây, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng.

Đơn cử một số mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại các xã A Ting, Sông Kôn; khai thác mây bền vững tại xã Mà Cooih... giúp người dân cải thiện được thu nhập từ rừng.

Trong khi đó, các chính sách giảm nghèo đã bắt đầu tạo chuyển biển tích cực. Đơn cử, các mô hình đảng viên giúp đỡ hộ nghèo; các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa với thôn và giúp đỡ hộ nghèo; đảng viên không nằm trong diện hộ nghèo; hoặc mô hình liên kết giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo của các hội đoàn thể..., đã tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo, người đăng ký thoát nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay, tham gia trực tiếp các lớp tập huấn, hội thảo, nâng cao năng lực từ các chương trình chính sách giảm nghèo bền vững.

Ông Đinh Ngọc Thanh thông tin thêm, thực tế hiện nay, người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ đầy đủ các chính sách về bảo hiểm y tế, giáo dục, dạy nghề và vay vốn, giải quyết việc làm, nhà ở... Nhờ đó, năm 2022 toàn huyện giảm được 511 hộ nghèo (giảm 7,7% so với năm 2021), cuối năm 2022, Đông Giang còn 3.394 hộ nghèo (tỷ lệ 45,18%).

Khai thác thế mạnh kinh tế bản địa

Tận dụng sự dồi dào về tài nguyên đất đai, nên Đông Giang đã áp dụng nhiều giải pháp phát triển kinh tế lâm - nông nghiệp nhằm tạo đa dạng sinh kế vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu rừng. Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân thực hiện chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn.

Hộ ông Zơ Râm Với ở thôn A Dinh (thị trấn Prao) thành công với việc bảo tồn, nhân rộng sâm 7 lá dưới tán rừng. Ảnh: KK
Hộ ông Zơ Râm Với ở thôn A Dinh (thị trấn Prao) thành công với việc bảo tồn, nhân rộng sâm 7 lá dưới tán rừng. Ảnh: KK

Địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị, nâng cao năng suất rừng trồng. 

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng (chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 5/8/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đem lại động lực, lẫn nguồn lực tài chính mạnh để đồng bào miền núi mạnh dạn phát triển các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế dưới tán rừng tự nhiên.

Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh, Đông Giang còn hỗ trợ cấp cây giống trồng rừng có giá trị kinh tế, trồng cây phân tán cho các hộ gia đình theo Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình, chính sách phát triển sinh kế như hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam; phát triển vùng đệm, lưu vực thủy điện đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang: Đa dạng sinh kế để giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO