Đông Giang thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

KHẢI KHIÊM 26/05/2022 22:26

Thời gian qua, huyện Đông Giang đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), song gặp nhiều khó khăn về quy mô sản xuất và nguồn nguyên liệu.

Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP huyện Đông Giang do cơ sở Hoàng Oanh thiết lập. Ảnh: K.K
Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP huyện Đông Giang do cơ sở Hoàng Oanh thiết lập. Ảnh: K.K

Vừa qua, cơ sở Hoàng Oanh (thị trấn Prao, Đông Giang) đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cửa hàng được địa phương khuyến khích hình thành và sẽ hỗ trợ để phát triẻn.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (đại diện cơ sở Hoàng Oanh) cho biết, địa điểm này sẽ giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của Đông Giang được UBND tỉnh công nhận.

Trong đó, “Rượu ka kun” do Hoàng Oanh sản xuất là sản phẩm OCOP 3 sao qua đánh giá, phân hạng năm 2019. Các sản phẩm mỹ nghệ từ mây, tre đan, dệt thổ cẩm cũng sẽ trưng bày. Hoàng Oanh còn liên kết để tiêu thụ nông sản do hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện sản xuất.

Trong 3 năm (2018 - 2020), Đông Giang có 8 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2021, UBND tỉnh công nhận Đông Giang có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (chè dây Ra Zéh) và 5 sản phẩm đạt 3 sao (chè dây hoa hồng; trà xanh Quyết Thắng; rượu Tà Vạc Đông Giang; mâm mây Bhơ Hôồng; túi xách thổ cẩm).

Ông Phan Hữu Thành - Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Đông Giang cho hay: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Mặt trận, các hội đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về OCOP. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia chương trình”.

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, OCOP được triển khai đã nhận sự quan tâm vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp trong chỉ đạo thực hiện, xem đây là giải pháp trọng tâm thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu còn chế biến thô, quy mô nhỏ, giá thành cao và vùng nguyên liệu thiếu ổn định.

Kiến thức, kỹ năng về tổ chức sản xuất, thị trường của chủ thể hạn chế. Nguồn lực đầu tư hàng năm thấp, kể cả nguồn lực huy động khác. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ, ảnh hưởng rất lớn đến duy trì hoạt động, doanh thu của chủ thể.

Thời gian tới, Đông Giang phấn đấu đưa OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng; đưa các sản phẩm trở thành thương hiệu có uy tín, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng giá trị, đem lại thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đến năm 2025, huyện phấn đấu có 25 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên. Xây dựng 1 - 2 điểm bán hàng OCOP gắn với các dự án du lịch của huyện. Địa phương cũng kiến nghị trung ương, tỉnh nâng mức đầu tư, hỗ trợ hàng năm thực hiện chương trình; bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm 3 sao có lợi thế của địa phương...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO