Chuyện đầu tuần

Động lực từ... tăng lương

HÀ QUANG 05/08/2024 07:45

Biết sẽ được tăng lương cả vài tháng nay nhưng mấy ngày qua nhiều công chức, viên chức mới chính thức vui mừng khi nhận được số tiền chi trả.

Kỳ tăng lương nào cũng vậy, cảm xúc phấn khởi không bao giờ cũ; ngay cả những người không thuộc đối tượng nhận lương, cũng vui lây với khoản thu nhập mới của “những người làm nhà nước” vì với họ, tăng lương cũng là tăng một nguồn thu nhập cho xã hội.

Một viên chức giáo dục đang làm việc ở trường THCS tại Tam Kỳ chia sẻ, vui quá vì mỗi tháng mình được tăng thêm hơn 900 nghìn đồng nữa; việc tăng lương là rất kịp thời để có thể xoay xở chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, chị cũng tâm sự rằng dù nguồn thu có tăng nhưng cuộc sống không mấy cải thiện do tổng lương nhận được hằng tháng chỉ hơn 4 triệu đồng.

Từng làm thủ quỹ trong một đơn vị nhà nước ở Nam Trà My hàng chục năm, nhưng sở dĩ viên chức giáo dục này có mức lương thấp như vậy do phải chuyển ngạch khi thi biên chế giáo dục để về làm việc tại Tam Kỳ nên mức lương phải đề pa lại từ đầu.

Dù vậy, “cô giáo” này vẫn rất lạc quan và hóm hỉnh rằng, mình rất ổn do có “đa dạng nguồn thu”, ngoài lương nhận ở trường thì còn có khoản thu từ bán hàng online, chế biến “thực phẩm nhà làm” và cả thu nhập từ... lương công nhân của chồng!

“Tăng lương có khiến bạn hạnh phúc dài lâu?” - một tiêu đề của bài viết tôi vừa đọc được trên mạng. Câu hỏi đặt ra ở tiêu đề này, khi lướt qua, có vẻ như hơi đánh đố một chút, nhưng nội dung của bài viết thì lại đề cập một vấn đề rất đáng lưu ý hiện nay là sự hài lòng với công việc.

Hài lòng với mức lương và hài lòng với công việc là hai chuyện khác nhau. Có nhiều người đi làm không hài lòng với mức lương hiện tại của mình bởi vật giá càng ngày leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên khi được tăng lương cảm thấy hạnh phúc.

Thế nhưng, cảm xúc vui vẻ từ việc tăng lương không kéo dài được bao lâu, đặc biệt không giúp bạn cảm thấy hài lòng với công việc trong thời gian dài.

Trở lại với câu chuyện của viên chức chuyển về từ Nam Trà My, cô cho biết dù mức lương hiện tại rất thấp nhưng vẫn cảm thấy hài lòng với công việc do “mình không thích nghi tốt với miền núi”.

Và Nam Trà My - địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng kể về kinh tế - xã hội nhưng cũng được xem là “điển hình” của thực trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ.

Một báo cáo cho thấy huyện Nam Trà My được định biên 90 công chức nhưng hiện nay thiếu đến 15 biên chế; còn viên chức, đặc biệt là viên chức giáo dục thì thiếu đến hàng trăm.

Một cán bộ địa phương chia sẻ, lo nhất là hiện nay nhiều cán bộ có chuyên môn tốt, công tác ở vị trí lãnh đạo phòng, đơn vị trực thuộc huyện lần lượt xin chuyển về đồng bằng. Cán bộ còn lại thì chưa đủ chuẩn để bổ nhiệm hoặc chưa nằm trong diện quy hoạch vào vị trí lãnh đạo.

Hằng năm, huyện Nam Trà My đăng ký với tỉnh về tuyển dụng công chức, nhưng... thí sinh không đăng ký thi ở Nam Trà My. Có một số thí sinh khi trúng tuyển, lên đây làm việc ít hôm rồi xin nghỉ. Thậm chí có người vừa nhận quyết định công tác, lên đến Nam Trà My rồi quay xe về mà không nói lý do.

Thực tế hiện nay, sinh viên ra trường chạy đôn chạy đáo để tìm việc thì tại các huyện miền núi như Nam Trà My, nguồn nhân lực vẫn thiếu hụt.

Tại những địa bàn khó khăn, để thu hút đội ngũ cán bộ, chế độ chính sách thường được ưu tiên hơn, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ hấp dẫn. Riêng huyện Nam Trà My thì sự hấp dẫn đó gần như đã trở lại con số không khi các chính sách hỗ trợ miền núi khó khăn bị cắt ở nhiều địa bàn.

Vì vậy, nhiều người đã chọn đồng bằng vì trước hết họ được sống trong địa bàn thuận lợi hơn, và đặc biệt là có điều kiện “đa dạng hóa nguồn thu” để cải thiện đời sống.

Tăng lương, có thể xem là nguồn động lực kịp thời cải thiện đời sống cho đội ngũ công chức, viên chức để họ gắn bó, nhiệt huyết với công việc. Và đó cũng là một cách để giải quyết nhiều vấn đề khó tồn tại lâu nay, nhất là trong bối cảnh nguồn thu nhập từ mức lương cơ sở khó đảm bao đời sống cho đội ngũ cán bộ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực từ... tăng lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO