Du lịch Quảng Nam: Giữ khách truyền thống, hút khách tiềm năng

QUỐC TUẤN 27/08/2019 13:39

Là một trong những địa phương thu hút khách quốc tế hàng đầu của ngành du lịch nước ta hiện nay nhưng Quảng Nam vẫn cần có giải pháp để cân đối các thị trường khách, tránh trường hợp bị động khi thị trường chủ lực hụt hẫng.

Các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên cần được phát huy để thu hút dòng khách truyền thống, chi tiêu cao. Ảnh: Q.T
Các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên cần được phát huy để thu hút dòng khách truyền thống, chi tiêu cao. Ảnh: Q.T

Điểm sáng “hút” khách quốc tế

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới. Nhờ vào đặc trưng của du lịch di sản, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Quảng Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách quốc tế và ngày càng khẳng định được thương hiệu. Năm 2018, Quảng Nam được xếp thứ 4 trong số những địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất nước ta với gần 3,8 triệu lượt (đứng sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh). Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Điều thú vị là tỷ lệ khách quốc tế trong cơ cấu khách đến Quảng Nam chiếm tới gần 60%, vượt khách nội địa, một tỷ lệ mà không nhiều địa phương có được”. Qua số liệu thống kê tương đối từ Phòng VH-TT TP.Hội An, cứ 4 du khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam thì sẽ có 1 du khách ghé Hội An.

Thị trường khách truyền thống của Quảng Nam được xác định đến từ Tây Âu, Úc và Bắc Mỹ - những thị trường vốn được xem là “khó tính” đối với du lịch Việt Nam. Tại hội nghị “Tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam” vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Viettravel thông tin: “Qua theo dõi nhiều năm thì thị trường khách Tây Âu đến nước ta chỉ giữ tăng trưởng ổn định chứ rất khó tạo sự đột biến”. Có thể xem Quảng Nam là một “thỏi nam châm” hút được dòng khách này bởi có tới 5/10 thị trường khách quốc tế lưu trú nhiều nhất của tỉnh trong năm 2018 đến từ khu vực Tây Âu, trong đó đặc biệt khách Tây Ban Nha tăng đến 40% so với cùng kỳ, khách Hà Lan tăng 17% so với cùng kỳ… Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, những năm gần đây dù có lúc dòng khách Đông Bắc Á tăng trưởng đột biến nhưng Hội An vẫn tập trung phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, sinh thái để phục vụ thị trường khách truyền thống đã gắn bó với di sản hơn hai thập niên qua.

Sau khi ngành du lịch nước ta bước qua giai đoạn tăng trưởng “nóng” (khoảng từ 2015 đến 2018) với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm lên đến 25%, hiện đã có dấu hiệu chững lại. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Quảng Nam ít chịu biến động hơn do đa dạng các thị trường. Thực tế thì trong giai đoạn 2013 đến 2018, tốc độ tăng trưởng của địa phương cũng đạt ổn định từ 14 đến 15% chứ không quá đột biến”. Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, trong tháng 5.2019, Quảng Nam đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, giới thiệu du lịch địa phương tại các thị trường mới tiềm năng như: Nga, Azerbaijan… để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường.

Cần tạo dòng sản phẩm đặc trưng

Tại buổi tọa đàm “Vì môi trường du lịch Hội An xanh - sạch - đẹp, an toàn - thân thiện” vào tháng 4.2019, bà Beate Matthes - du khách Đức chia sẻ: “Đây đã là lần thứ 3 tôi quay lại Hội An nhưng thực sự là tôi đang cân nhắc mình có nên quay lại nơi này nữa không bởi dường như môi trường du lịch nơi đây đang vấp phải nhiều vấn đề so với lúc tôi đến lần đầu”. Những gì bà Beate Matthes đề cập xoay quanh rác thải, tiếng ồn, giao thông… và hiển hiện nguy cơ khiến Hội An “mất điểm” trước thị trường khách truyền thống. Có một thực tế đáng báo động khác là loại hình lưu trú homestay từng là sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo tại Hội An nhiều năm trước đây hiện hầu hết đã bị “chệch hướng” khiến du khách không còn mặn mà. Tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên), phần lớn các homestay cũng rơi vào tình trạng ngắc ngoải nhiều năm nay bởi cách hoạt động không giống như tiêu chí của dòng sản phẩm lưu trú này.

Qua thống kê lượng mua vé tham quan hằng năm, ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn và khu phố cổ Hội An, các địa điểm được khách quốc tế ưa thích nhất có thể kể đến là các làng quê ven đô Hội An như làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim) tỷ lệ mua vé của khách quốc tế chiếm đến 100%, làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) chiếm 96%… Nhưng thống kê cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng khách ở các điểm du lịch ngoại vi này hiện chững lại, thậm chí không tăng. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Hội An có nguồn thị trường khách đa dạng nên có thể tránh được sự hụt hẫng nếu xảy ra biến động ở các dòng khách chủ lực. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm các sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút khách Hoa Kỳ, đây là thị trường cực kỳ tiềm năng, có chi tiêu rất cao nhưng lượt khách đến Hội An cũng như nước ta còn khiêm tốn. Trong số các nước có khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 7%/tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), Hội An cũng như các địa điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh là có thiên nhiên ưu đãi nhưng lại không tận dụng mà khai thác theo kiểu “bê tông hóa” triệt để, dẫn đến sự nhàm chán cho du khách, từ đó khó có thể thu hút được dòng khách cao cấp”. Xã Cẩm Kim là vùng đất hầu như vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và cần có quy hoạch căn cơ để không bị phá vỡ cảnh quan tự nhiên. “Muốn Cẩm Kim đi lên đầu tiên phải quy hoạch khu cộng đồng có đồng lúa, con trâu, bụi tre... Ở đó sẽ có các hoạt động trải nghiệm sinh thái, những điểm sinh hoạt gắn với thiên nhiên để tạo ra dòng sản phẩm hấp dẫn mới mong thu hút được khách quốc tế, khách có chi tiêu cao” - ông Thuận nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch Quảng Nam: Giữ khách truyền thống, hút khách tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO