Việc Quảng Nam đón lượng khách nội địa tăng vọt trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua là tín hiệu tích cực, nhưng để thực sự khai thác thị trường khách này hiệu quả, bền vững là vấn đề cần quan tâm.
Khẳng định sức hút điểm đến
Theo thống kê, trong dịp lễ vừa qua bình quân mỗi ngày Quảng Nam đón hơn 30 nghìn lượt khách nội địa tham quan, lưu trú. Tập trung cao nhất là hai ngày 30/4 và 1/5, với lượng khách nội địa tăng đến 93% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là điều dễ hiểu khi nhu cầu tham quan, du lịch của khách nội địa ngày càng lớn và đây là một trong những kỳ nghỉ lớn, kéo dài nhất trong năm của người Việt Nam.
Việc khách nội địa tăng vọt trong dịp lễ vừa rồi cũng phần nào đến từ việc ngành du lịch Quảng Nam có mặt ở hầu hết sự kiện du lịch lớn trên toàn quốc trong thời gian gần đây để quảng bá, xúc tiến điểm đến, sản phẩm đặc trưng. Thêm nữa, các ưu đãi của gói kích cầu giai đoạn 1 “Quảng Nam - cảm xúc mùa hè” được kích hoạt sớm hơn mọi năm cũng tăng thêm sức hút cho điểm đến với khách nội địa.
Ngoài phố cổ Hội An, một số điểm đến ở Quảng Nam thu hút đông đảo khách nội địa trong dịp này như: biển An Bàng, Cù Lao Chàm (TP.Hội An), Vinwonders Nam Hội An (Thăng Bình), Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (Đông Giang)…
Dù vậy, xu hướng của khách nội địa khi tham quan, lưu trú ở Quảng Nam phản ánh một trong những yếu điểm lớn nhất của du lịch địa phương đã được chỉ ra theo Báo cáo chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh chính là mất cân đối mật độ khách. Việc mất cân đối mật độ diễn ra ở cả không gian và thời gian.
Về không gian phân bổ chính, khách nội địa chủ yếu vẫn tập trung ở khu phố cổ Hội An, một số bãi biển và khu vui chơi, giải trí. Trong khi đó về thời gian, khách nội địa chủ yếu thực hiện các chuyến tham quan, lưu trú vào các dịp lễ lớn hoặc cuối tuần.
Đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang thông tin, nếu trong dịp lễ vừa qua khu lưu trú của đơn vị lấp đầy 100% công suất phòng trong tất cả ngày nghỉ thì ở các ngày bình thường công suất lưu trú chỉ đạt 10-20%, dẫn đến một số khoảng thời gian thấp điểm trong năm phải cắt giảm nhân viên.
Nắm thị hiếu thị trường
Dù nhìn nhận thị trường nội địa không phải là thị trường chủ lực truyền thống nhưng ngành du lịch Quảng Nam vẫn xác định tiếp tục mở rộng thu hút khách nội địa ở cả thị trường gần (Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế…) lẫn các thị trường phía Bắc, Tây Nguyên, phía Nam…
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương cho rằng, muốn khai thác tốt thị trường nội địa thì phải hiểu dòng khách này cần gì. Nhu cầu của khách nội địa cơ bản là thích trải nghiệm sôi động, có nơi “check-in” đẹp, thưởng thức ẩm thực hấp dẫn…
Một vài điểm đến trên địa bàn tỉnh hiện đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách nội địa như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đưa vào vận hành tuyến cáp treo đầu tiên trên địa bàn tỉnh dài 1,6km; thiết kế cầu kính ngọc rồng giao hòa với thiên nhiên để du khách tham quan, “check-in”…
Trong khi đó, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh mới đưa vào vận hành hệ thống zipline, một số trò chơi cảm giác mạnh và thiết kế không gian phù hợp để tổ chức hoạt động team building.
Tại Hội An, câu chuyện mất cân bằng mật độ khách, đặc biệt là khách nội địa vẫn diễn ra dai dẳng khi khách trong nước chủ yếu tham quan khu phố cổ và rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) nhưng lượng khách mua vé lại không nhiều.
Theo nhận định từ các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, một số điểm đến khác trên địa bàn thành phố sẽ cuốn hút với khách nội địa nếu đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm sắc màu cho điểm đến.
Đơn cử, với làng rau Trà Quế - một điểm đến chỉ thu hút chủ yếu khách quốc tế, ông Đặng Xuân Sơn - chuyên gia về sản phẩm và tiếp thị điểm đến của Dự án “Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) gợi mở, làng Trà Quế nên trồng thêm cây xanh và hoa ở các lối đi, tạo ra các bãi cỏ để khách cắm trại, dừng nghỉ, tạo điểm “check-in” hoàng hôn… Cạnh đó, cần nạo vét đầm Trà Quế để du khách trải nghiệm thuyền tre, kayah… Được như thế, có thể thu hút đa dạng khách đến với Trà Quế.