(VHQN) - Bằng tư duy của người trẻ, Nguyễn Tấn Pháp đưa du khách về ngay mảnh đất quê mình. Từng ngày một, những điểm đến ra đời, góp thêm vào bức tranh du lịch cộng đồng xứ Quảng...
Nguyễn Tấn Pháp (quê Điện Phong, Điện Bàn) bước vào nghề du lịch bằng cây cỏ của quê mình. Năm 2018, mô hình điểm đón khách tại Điện Phong thành lập tại chính ngôi nhà của Pháp.
Thời gian đầu, Pháp nói mình vô cùng khó khăn, bởi cả vùng Gò Nổi gần như chưa có ai làm du lịch. Anh phải học mọi thứ, tìm kiếm điểm tham quan, học nấu ăn, học đón khách đến trau dồi ngoại ngữ. Thậm chí, phải vay mượn để có tiền mua 30 chiếc xe đạp cho khách tham quan quanh làng.
Khâu đón khách tạm ổn, anh kết nối với các công ty du lịch tại Hà Nội. Và những đoàn khách đầu tiên đến với làng. Số lượng không ngừng gia tăng và dần ổn định.
Chỉ từ đầu năm đến nay, Pháp đã tổ chức hơn 40 tour cho khách trải nghiệm các hoạt động làng quê Điện Phong. Từ đạp xe tham quan đồng ruộng, học làm nông trên mảnh vườn rộng 700m2 của gia đình, học nấu ăn và thưởng thức ẩm thực địa phương… Hầu hết khách đến với điểm dừng chân của Pháp đều thuộc các quốc gia châu Âu, Úc, Mỹ.
Ở tuổi 31, Pháp đã có hơn 5 năm kinh nghiệm làm du lịch. Tất cả thành viên gia đình anh đều tham gia hoạt động du lịch dựa vào năng lực từng người.
Nếu Pháp ở vai trò điều hành kết nối tour, hướng dẫn khách tham quan bằng xe đạp quanh làng thì mẹ Pháp dạy khách nấu ăn, ba anh hướng dẫn khách làm vườn. Thỉnh thoảng vợ và con anh cùng phụ đón khách.
Thu nhập bình quân mỗi tháng của Pháp và các thành viên gia đình khoảng 5 triệu đồng/người. “Mỗi ngày tôi đón tối đa 2 đoàn khách chia cho 2 buổi, không thể đón nhiều hơn nữa vì không gian gia đình chỉ chừng đó, bởi tôi không muốn sự xô bồ làm mất đi vẻ bình yên của làng quê” - Pháp chia sẻ.
Ngoài làm du lịch và kết hợp bán rau hữu cơ, Nguyễn Tấn Pháp còn kinh doanh cá cảnh, làm nông để nuôi dưỡng ước mơ lan tỏa du lịch trên quê hương mình.
Nguyễn Tấn Pháp cho rằng, phát triển du lịch nông thôn làng quê đang là hướng đi đầy tiềm năng, chưa kể, điểm dừng chân tại Điện Phong khá thuận lợi vì vùng đất này nằm trên cung đường di sản kết nối Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn.
Phần lớn khách trải nghiệm mô hình du lịch của anh đều kết hợp tham quan Mỹ Sơn theo lịch trình một buổi ở Điện Phong và một buổi đến Mỹ Sơn.
Mô hình điểm dừng chân của Nguyễn Tấn Pháp không có tên cụ thể. Anh nói, bởi muốn du khách nhớ đến tên đất Điện Phong quê mình - nên nó chỉ đơn giản là điểm dừng chân ở Điện Phong...