Tuần qua, có lẽ trường nào trễ nhất cũng đã bế giảng. Kỳ nghỉ hè của trẻ chính thức bắt đầu bằng biết bao nỗi niềm của các bậc phụ huynh, ở phố thì càng chạy đôn chạy đáo để “lo cho con” mà sâu xa là “khỏe cho mình”.
Từ mạng xã hội đến quán cà phê... đâu đâu cũng nghe lời cảm thán, kiểu “sắp bước vào những ngày khốn khổ!”, “những ngày khản cổ đã đến!”, “cuộc chiến mùa hè bắt đầu!”…
Nhớ hôm rồi đưa con đến trường, bắt gặp cảnh bé con kỳ kèo với mẹ không chịu vào lớp, một phụ huynh đi ngang nói: “Chịu khó hai ngày nữa bế giảng rồi!”. Vị phụ huynh kia ngẩn lên: “Hai ngày nữa mới thiệt mệt, khổ!”.
Những gia đình có vợ và chồng đều làm giờ hành chính thì càng nhấp nhổm khi không biết làm sao quản con trong mùa hè…
Thế là “phương án ứng phó” được phụ huynh đưa ra bàn tính. Những ngày này, gần như đi đâu cũng nghe bàn chuyện cho con học hè ở đâu, làm sao quản lý… Các trung tâm bồi dưỡng, địa chỉ nhận dạy học hè, học hè có bán trú, được phụ huynh giới thiệu cho nhau.
Cũng từng có tuổi thơ, nhưng đến khi làm cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh đã quên mất rằng mùa hè là khoảng thời gian tuyệt vời để mình ngày xưa và con mình bây giờ được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh sau một năm học tập căng thẳng.
Vì sự “tiện bề quản lý” của phụ huynh mà nhiều trẻ đang bị tước đi những ngày nghỉ hè do lịch trình học tập dày đặc.
Nhưng nếu thiếu sự quản lý của bố mẹ, có thể trẻ sẽ rơi vào trường hợp “tự đánh mất mùa hè của mình”. Bởi, với sự gia tăng của công nghệ và khả năng tiện ích của thiết bị điện tử trong nhà ngày nay, những hoạt động ngoài trời đã trở nên ít phổ biến hơn, trẻ suốt ngày ngồi trước màn hình ti vi, chơi game trên máy tính, điện thoại di động hoặc trò chơi video…, làm giảm sự kết nối với tự nhiên và giữa trẻ với nhau.
Đánh mất mùa hè của trẻ có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Việc ngồi một chỗ quá nhiều và tiêu thụ nhiều thời gian trên các thiết bị điện tử có thể góp phần vào sự gia tăng của tình trạng tăng cân, thiếu vận động và căng thẳng tinh thần ở trẻ em. Hơn nữa, thiếu sự tương tác xã hội và trải nghiệm ngoại khóa có thể làm suy giảm kỹ năng giao tiếp và xã hội của trẻ, gây ra cảm giác cô đơn và cô lập.
Trong khi đó, nếu bố mẹ quản con bằng các khóa học thì việc “nhồi nhét” kiến thức trong suốt mùa hè có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất, cả tinh thần của trẻ, và vô tình đã lấy đi tuổi thơ vốn dĩ ngắn ngủi.
Làm thế nào để không đánh mất mùa hè của trẻ?
Đầu tiên và quan trọng nhất, cần tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tham gia các hoạt động ngoài trời. Như tổ chức các chuyến dã ngoại, đi dạo, tắm biển, chơi thể thao ngoài trời, thậm chí là tạo ra các trò chơi dân gian và hướng dẫn cho trẻ em trong xóm cùng tham gia. Cũng có thể đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học thiên về hoạt động sáng tạo như vẽ, nhạc, kỹ năng... để vừa được thư giãn vừa phát triển tư duy.
Dành thời gian tạo ra cơ hội cho trẻ tương tác với bạn bè và người thân, thông qua các buổi dã ngoại, chơi trò chơi cùng nhau hoặc nếu có cơ hội nên đưa trẻ cùng tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng để phát triển kỹ năng, nhận thức các giá trị xã hội.
Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè, ngoài trách nhiệm của Nhà nước thì vai trò của gia đình rất quan trọng. Chính vì vậy, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần phải có những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ con em mình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Nhất là phân chia thời gian phù hợp để đảm bảo con em mình được chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí và tham gia các hoạt động thực sự an toàn...
Nhà tôi có cậu con trai năm nay lên lớp 7. Chỉ cần nói đến chuyện học hè là cu cậu phản ứng ngay: “Ba mẹ không nghe từ “nghỉ hè” sao? Là nghỉ hè chớ không phải học hè!”.
Mùa hè là món quà quý giá dành cho tuổi thơ. Hãy cho trẻ tận hưởng mùa hè một cách trọn vẹn nhất để phát triển toàn diện và có một tuổi thơ đúng nghĩa!