(QNO) - Hơn 2 năm triển khai xây dựng điểm đến du lịch xanh Quảng Nam, nhiều doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, nhà hàng… đã hưởng ứng tham gia, góp phần tạo ra hệ sinh thái rộng lớn. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những cơ chế thiết thực để phát triển mạnh hơn các mô hình điểm đến xanh.
Khách sạn La Siesta Hội An là một trong số ít cơ sở lưu trú đã thu lợi trước mắt từ triển khai mô hình phát triển xanh, qua đó không chỉ nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp mà còn cắt giảm được các chi phí đầu vào.
Ông Vương Đình Mạnh – Giám đốc Điều hành khách sạn La siesta Hội An dẫn chứng: "La Siesta có 137 phòng, mỗi phòng một ngày đặt ít nhất 2 bao đựng rác và 2 chai nước suối cho khách uống, nếu mua chai nhựa và bao ny lông ước tính chi phí mỗi năm không dưới vài trăm triệu đồng. Kể từ khi chúng tôi dùng chai thủy tinh thay thế chai nhựa, thay bì ny lông đựng rác bằng bao giấy báo, hiệu quả kinh tế và môi trường thấy rõ”.
Từ sau đại dịch COVID-19 tỷ lệ lấp phòng bình quân của La Siesta luôn đạt khoảng 80%, giá bán mỗi phòng từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/ngày đêm.
Ông Mạnh khẳng định, khách cao cấp sẵn sàng trả nhiều tiền để được hưởng những dịch vụ tương xứng trong một môi trường không gian sinh thái trong lành, xanh, sạch, đẹp.
Trước áp lực quá tải của phố cổ Hội An hay khu đền tháp Mỹ Sơn, không gian làng quê, làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở nên hút khách, nhất là các thị trường Âu – Úc. Tại các làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà (Hội An), làng Triêm Tây, Cẩm Phú (Điện Bàn)… khách tham quan ngày càng đông, qua đó tạo nên xung lực mới cho làng quê, làng nghề giúp bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị cảnh quan, văn hóa bản địa.
Tại các nhà hàng do ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam làm chủ, việc triển khai tuần hoàn rác thải với các sản phẩm thực phẩm được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ đã tạo ấn tượng thích thú cho nhiều du khách. Một số tour Cooking Class giúp mang đến cho khách những trải nghiệm trực quan bất ngờ khi biết nguồn nguyên liệu được trồng bằng phân hữu cơ từ phương pháp tuần hoàn rác thải tại nhà hàng. Đó cũng là lý do vì sao những bữa ăn, cơ sở kinh doanh của ông Thanh bán được cho khách giá lên đến nghìn USD.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 20 đơn vị doanh nghiệp du lịch được cấp chứng nhận Du lịch xanh, bao gồm 9 cơ sở lưu trú du lịch; 3 doanh nghiệp lữ hành; 8 điểm tham quan. Ngoài ra, gần 100 đơn vị du lịch cũng đã ký cam kết thực hành, áp dụng bộ tiêu chí Du lịch xanh của tỉnh trong quá trình hoạt động tại đơn vị. Không ít doanh nghiệp đã đạt được các chứng chỉ về khách sạn xanh, điểm du lịch cộng đồng xanh… cấp khu vực Đông Nam Á như giải thưởng du lịch ASEAN hay chứng chỉ Du lịch xanh quốc tế uy tín Travel life… Qua đó, lan tỏa các mô hình du lịch xanh, góp phần định vị điểm đến xanh Quảng Nam trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương nhìn nhận, so với các lĩnh vực lưu trú, nhà hàng… hiệu quả du lịch xanh mang lại cho doanh nghiệp lữ hành ít rõ nét hơn, nhất là với những doanh nghiệp chuyên đón dòng khách châu Á.
Ngược lại, các dòng khách châu Âu, cụ thể là những nước Bắc Âu thì hiệu quả du lịch xanh mang lại rất lớn, không chỉ giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp, hỗ trợ công tác truyền thông mà còn định hướng cho việc xây dựng sản phẩm tour phù hợp.
Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch xanh phát triển, bên cạnh sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp thì Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp nhận thấy được quyền lợi của mình.
“Nếu Nhà nước không đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp rõ ràng, không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp… chắc chắn họ sẽ không tham gia nhiệt tình, nên chính quyền cần phải làm rất nhiều thứ nhằm tạo ra những giá trị có thể được đo đếm cụ thể” - ông Thủy đề xuất.
Thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp “tự bơi” cho hành trình xây dựng mô hình du lịch xanh. Cạnh đó, một số doanh nghiệp nhỏ do chưa thấy lợi ích thực sự của du lịch xanh nên vẫn chưa mặn mà tham gia.
Theo ông Phan Xuân Thanh, sự hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp du lịch xanh đến nay vẫn khá ít, chưa kể các chính sách còn rời rạc giữa các sở, ngành nên cần có sự liên kết chính sách một cách đồng bộ hơn, bởi du lịch xanh không đơn thuần chỉ một mình ngành du lịch làm được mà cần có sự hợp tác, phối hợp của nhiều ngành liên quan. Đơn cử, các mô hình du lịch nông nghiệp phải cần sự đồng hành của ngành NN&PTNT, thậm chí ngành TN-MT cũng phải vào cuộc trong việc chuyển đổi xanh.
Ông Trần Thái Do – chủ đầu tư Khách sạn Silk Sense Hội An chia sẻ, chưa bàn về hiệu quả kinh doanh, chỉ cần sự hài lòng của khách đối với các sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường đã là thành công. Cuối năm 2022, Silk Sense đạt chứng nhận tiêu chuẩn xanh theo Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam, tiếp đến đầu tháng 9/2023 Silk Sense trở thành khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam.
Lưu trú tại Silk Sense, khách không đơn thuần chỉ ở trong căn phòng tiện nghi mà sẽ cùng tham gia vào hoạt động không rác thải nhựa của khách sạn. Hầu hết khách bày tỏ sự hài lòng, ủng hộ. “Chắc chắn một điều rằng, dòng khách lưu trú Silk Sense sẽ sang trọng hơn, đẳng cấp hơn”, ông Do nói về hiệu quả của mô hình khách sạn không rác thải nhựa và cho rằng, lấy được sự hài lòng khách hàng bằng những hoạt động thiết thực ý nghĩa thông qua những thông điệp phát triển bền vững chính là thành công của du lịch xanh.
Theo ông Trần Thái Do, Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam ít người biết tới, doanh nghiệp dè dặt tham gia. Do đó, ngành du lịch cần tạo bệ đỡ để doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh, góp phần hiện thực hóa ước mơ “xanh hóa ngành du lịch”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, hiện tại, đơn vị đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển du lịch xanh báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết, nhưng do chưa bố trí được nguồn lực nên sẽ phải tiếp tục trình vào thời điểm thích hợp.
“Để tiếp tục duy trì kết quả du lịch xanh đã đạt được và chuẩn bị cho chiến lược dài hạn, trước mắt Sở VH-TT&DL sẽ tập trung duy trì các hoạt động tuyên truyền cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và du khách biết được chủ trương phát triển du lịch xanh của tỉnh, hiểu được tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế lâu dài trong việc phát triển du lịch xanh” – ông Hồng khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hồng, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa du lịch xanh, Quảng Nam sẽ xác định không gian phát triển các loại hình du lịch cho từng khu vực dựa trên tiềm năng, nhu cầu của thị trường; chú trọng phát triển sản phẩm cho các vùng lõi như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm... theo hướng đa dạng, gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch nhằm nâng cao thu nhập và mức sống.
Riêng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, phát triển du lịch sẽ gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, rừng, đồng ruộng, tạo động lực phát triển nền kinh tế xanh. Trong đó, tập trung kiểm soát lượng khách trên đảo, các dịch vụ du lịch và hoạt động tham quan, trải nghiệm đến kiểm soát rác thải nhựa, phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch. Đặc biệt, sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đối với lĩnh vực du lịch theo các trục không gian, vùng và sản phẩm thế mạnh.
Năm 2024, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với Ban điều hành dự án phát triển du lịch bền vững Thụy Sỹ. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật từ dự án sở sẽ nâng cấp giá trị chứng chỉ Du lịch xanh Quảng Nam dựa trên sự hợp tác với các tổ chức đánh giá du lịch xanh quốc tế có uy tín nhằm đánh giá du lịch xanh sát với tiêu chí của các tổ chức đánh giá du lịch quốc tế.