[eMagazine] - Hợp tác đầu tư nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh

DIỄM LỆ - HỒ QUÂN - HÒA TIÊN 07/10/2022 17:05

(QNO) – Phát triển kinh tế từ cây sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chế biến dược liệu từ loại cây này đang được hiện thực hóa, với sự tham gia của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Điều này đang mở ra những kỳ vọng về việc phát triển bền vững dược liệu dưới tán rừng, đưa sâm Ngọc Linh sớm vươn ra “biển lớn”. 

 
 
 
Phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Q.L

Từ khi trở thành quốc bảo, sâm Ngọc Linh ngày càng nâng cao giá trị, thương hiệu, thu hút đông đảo người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư. Việc thương mại hóa gắn với bảo tồn thương hiệu sâm Ngọc Linh được chính quyền huyện Nam Trà My nâng quy mô thành các phiên chợ dược liệu. Và hiện nay, mỗi phiên chợ như vậy thu về hàng tỷ đồng, với sản phẩm chủ lực là sâm Ngọc Linh.

 
Sản phẩm chủ lực của phiên chợ là sâm củ Ngọc Linh. Ảnh: H.Q

Vào các ngày 1, 2 và 3 hàng tháng, Trung tâm trưng bày ở xã Trà Mai (Nam Trà My) lại trở thành “điểm hẹn” của người dân, du khách khắp nới có nhu cầu tìm hiểu, mua sâm Ngọc Linh và dược liệu. Riêng các sản phẩm sâm Ngọc Linh do doanh nghiệp, hộ trồng sâm trên địa bàn Nam Trà My tham gia bày bán đã qua kiểm định, đảm bảo chất lượng, tạo sự an tâm cho người mua.

 

Mới đây, trong phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu nhân dịp Lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2022 đã thu hút 10 chốt bán sâm xã Trà Linh, 19 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh và gian hàng trung tâm trưng bày sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu, sản phẩm OCOP... Theo thống kê của huyện Nam Trà My, phiên chợ có hơn 4.500 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng, trong đó riêng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 63kg, thu về gần 9,5 tỷ đồng.

 

[Video] - Phiên chợ sâm Ngọc Linh:

 
 
Doanh nghiệp trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Q.L

Nếu như trước đây, sâm Ngọc Linh chủ yếu do người dân địa phương tự trồng, nhân giống, thì nay nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trồng, chế biến sâu, kinh doanh sâm… đưa giá trị, thương hiệu loại dược liệu này lên tầm cao mới.

 
Nam Trà My hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trồng sâm với quận HamYang (Hàn Quốc). Ảnh: Q.L

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay hiện có hơn 20 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện. Tổng diện tích đã trồng hiện hơn 1.000ha. Cạnh đó, có một doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có trụ sở tại huyện Nam Trà My, đưa vào hoạt động vào đầu năm 2022. Mới nhất, Tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng Nutifood cũng vừa tham gia trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

 

[Video] - Doanh nghiệp trồng sâm dưới tán rừng:

Tại Quảng Nam, “đầu tàu” trong phát sản xuất, chế biến sâu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và các dược liệu theo công nghệ dây chuyền hiện đại là Công ty TNHH Sâm Sâm. Tháng 11.2017, công ty này đã nghiên cứu và lập thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu quy mô 4,5ha (chia làm 2 giai đoạn) tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ quý IV năm 2020.

 
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Sâm Sâm. Ảnh: Q.L

Hiện Công ty TNHH Sâm Sâm đã và đang liên kết, hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Trung tâm Sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh (Viện Dược liệu), Viện Công nghiệp thực phẩm, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh… trong việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Bằng nhiều nỗ lực, công ty đã sản xuất và giới thiệu ra thị trường 10 sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, Công ty TNHH Sâm Sâm cũng tiên phong tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô in-vitro từ Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam. Quá trình đầu tư, hợp tác, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống, làm chủ công nghệ tiếp nhận nói trên đang được công ty tập trung thực hiện, để từng bước tạo được nguồn sâm giống ổn định.

 

Mới đây, trong buổi làm việc với Công ty TNHH Sâm Sâm, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường mong muốn phía công ty này tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm đa dạng từ sâm Ngọc Linh như dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đồng thời khẳng định, Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cũng như các cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, trồng và đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường. 

 

Các kế hoạch, dự định được bàn tính để đưa sâm Ngọc Linh từng bước trở thành thương hiệu quốc gia, sánh vai với các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. Điều này là có cơ sở, khi xét về nhiều chỉ số, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước đánh giá, sâm Ngọc Linh có hàm lượng dược tính rất cao.

 
Hội thảo nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia được tổ chức vào tháng 8.2022. Ảnh: Q.L

Và để con đường nâng tầm thương hiệu ấy rút ngắn lại, cần có những cái bắt tay, hợp tác phát triển của 2 địa phương “sở hữu” ngọn núi Ngọc Linh là Quảng Nam và Kom Tum. Nếu trở thành hiện thực, sâm Ngọc Linh sẽ thực sự là “quốc kế dân sinh”, giúp đồng bào vùng cao Nam Trà My phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

[Video] - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia được tổ chức vào tháng 8.2022:

 
Vùng trồng sâm Ngọc Linh cần được bảo tồn. Ảnh: Q.L

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, phát triển cây dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu. Mới đây, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư “Vườn quốc gia về bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu” tại Quảng Nam; ban hành “Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045”. Đây là những cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

 
Trại sâm giống ở Nam Trà My. Ảnh: Q.L

Ông Hồ Quang Bửu nói, Quảng Nam sẽ xây dựng 2 trại giống gốc sâm Ngọc Linh (Trạm Dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam) và Trại sâm Tắk Ngo (thuộc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My) đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh có chất lượng cho việc trồng, nhân giống sản phẩm sâm có chất lượng tốt. Công tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống đối với phương pháp vô tính (sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô) đang được triển khai để có cơ sở ứng dụng vào thực tế sản xuất. Đáng chú ý, việc hình thành Trung tâm kiểm soát chất lượng sâm Ngọc Linh song song với quá trình phát triển sản xuất, quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh sẽ được đầu tư đúng mức. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Hợp tác đầu tư nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO