[Emagazine] - Hướng mới cho sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp

HOÀNG ĐẠO 10/05/2023 10:52

(QNO) - Khi tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn thì các chủ thể sản phẩm OCOP, khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tìm hướng đi mới cùng giải pháp hữu hiệu để chuyển mình, thích nghi với thị trường. Cạnh đó, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền cũng là trợ lực giúp họ chuyển hướng hiệu quả.

 

 

Năm 2018, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải (xã Tam Quang, Núi Thành) được thành lập với ngành nghề chính là trồng nấm công nghệ cao và chế biến sâu sản phẩm từ nấm. Tuy nhiên liên tục những năm sau đó xảy ra dịch COVID-19, HTX gặp nhiều khó khăn, đồng thời điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp khiến việc sản xuất kinh doanh của HTX đình trệ. Những trở lực đó buộc HTX phải chuyển đổi thích hợp hơn và có thể duy trì được sản xuất, mở rộng thị trường.

“Sau những khó khăn đình đốn do Covid-19 thì chúng tôi quyết định phải hiện đại nhà xưởng, quy trình sản xuất. Đến nay, diện tích trại nấm của HTX đã mở rộng lên hơn 3.500m2, nhà xưởng, nhà trồng nấm được đầu tư xây dựng kiên cố và trang bị thêm máy móc, thiết bị sản xuất” - ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải cho biết.

 

Ông Vũ nhận thức việc chế biến sâu sản phẩm chính là cách tiếp cận tốt nhất với khách hàng, thay cho các sản phẩm nấm thô hiện đã có nhiều trên thị trường. Vì thế, HTX đã tham gia chương trình OCOP, cho ra đời các dòng sản phẩm như Nấm linh chi Hoàng Hải - sản phẩm OCOP 3 sao, Trà Linh chi Hoàng Hải - sản phẩm OCOP 4 sao, Bột nấm Mộc nhĩ Hoàng Hải - sản phẩm OCOP 3 sao. Và năm 2023 này, Trà gừng hòa tan Hoàng Hải đã được huyện Núi Thành đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023 sau kỳ xét nâng hạng. Sản phẩm đã được công bố chất lượng, đủ điều kiện đưa ra thị trường.

“Khi có các dòng sản phẩm này, HTX nhanh chóng đi xúc tiến thương mại, giới thiệu mạnh mẽ ở các khu vực trên phạm vi cả nước, nhất là ở các địa phương phát triển du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, TP.Hồ Chí Minh, liên kết thông qua các đại lý. Sản phẩm cũng có mặt trên các trang thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng” - ông Vũ nói.

Để duy trì đầu ra bền vững, quy mô lớn, HTX đã liên kết cung ứng nguyên liệu nấm với các công ty dược, thực phẩm, nhà hàng lớn như Công ty Invest World Đà Nẵng, Công ty Danh An Phát, Công ty Bio QNA Quảng Nam, Công Ty GACO Lâm Đồng. Đồng thời, liên kết với 10 hộ gia đình tại địa phương để mở rộng diện tích trồng nấm theo tiêu chuẩn do HTX quản lý.

Nhiều sản phẩm của HTX Nông nghiệp Hoàng Hải trở thành sản phẩm OCOP, đi theo hướng chế biến sâu có giá trị cao. Ảnh: H.Đ
Nhiều sản phẩm của HTX Nông nghiệp Hoàng Hải trở thành sản phẩm OCOP, đi theo hướng chế biến sâu có giá trị cao. Ảnh: H.Đ

Ở xã Tam Hải, bà Trần Thị Chung (50 tuổi, thôn Đông Tuần, Tam Hải) - thương hiệu Nước mắm Cô Chung không bằng lòng với mẫu mã cũ mà quyết định đóng chai thêm sản phẩm loại 500ml bằng chai thủy tinh cao cấp hơn mẫu chai trước để mở rộng đối tượng khách hàng. Hướng đi này trong các năm qua đã phát huy hiệu quả khi khách du lịch đến xã đảo Tam Hải rất thích mua làm quà biếu. Mỗi năm, cơ sở này xuất bán khoảng 2.000 lít nước mắm cá cơm than khắp trên cả nước.

“Năm nay, chúng tôi quyết định tham gia OCOP, xây dựng nhà xưởng hiện đại để đáp ứng tốt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là cách lấy lòng tin khách hàng vì sức khỏe được đặt lên hàng đầu” - bà Chung nói.

 

Từ một dự án khởi nghiệp, Nước mắm cô Chung đã tham gia chương trình OCOP nhằm phát triển thương hiệu, sản xuất hàng hóa.
Từ một dự án khởi nghiệp, Nước mắm cô Chung đã tham gia chương trình OCOP

[VIDEO] – Cơ sở sản xuất nước mắm cô Chung:

 
Cofason chọn bán hàng qua mạng làm thế mạnh trong xu thế giao dịch điện tử phát triển. Ảnh: H.Đ
Cofason chọn bán hàng qua mạng làm thế mạnh trong xu thế giao dịch điện tử phát triển. Ảnh: H.Đ

Theo bà Nguyễn Đỗ Phương Uyên - CEO thương hiệu thời trang Cofason, dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng mua hàng online vì thế song song với việc mở các đại lý, shop bán hàng thì hiện tại Cofason bán các sản phẩm thời trang do mình thiết kế và sản xuất thông qua các kênh online.

“Dù là mạng xã hội nhưng doanh thu từ bán hàng trên Facebook đang là cao nhất thông qua 3 fanpage của chúng tôi. Đối với sàn thương mại điện tử, Cofason bán qua sàn Shopee và Tiktok Shop. Hiện nay doanh số từ các kênh bán hàng online này đang chiếm 60% doanh số của Cofason. Mục tiêu năm của chúng tôi là năm 2023 phát triển mảng online này tăng trưởng gấp đôi để đạt 80% tổng doanh số” - bà Uyên cho biết.

Chiến lược phát triển những năm tiếp theo là đầu tư mạnh về mặt hình ảnh và content ở các fanpage và xây kênh mạnh hơn trên Tiktok để thu hút thêm khách hàng ở kênh này. Xây dựng nhiều gian hàng và tiến tới mời các cá nhân nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên các mạng xã hội để quảng bá thêm cho thương hiệu và sản phẩm đến khách hàng mới.

Theo ông Trần Thanh Bình - Phó Giám đốc Bưu điện Quảng Nam, thực hiện kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bưu điện Quảng Nam đã chủ động kết nối với nhà cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng miền và đưa lên sàn thương mại POSTMART.VN được 131 chủ thể, cơ sở sản xuất với 226 sản phẩm.

“Hiện tại sàn thương mai điện tử của bưu điện đang miễn phí quản lý sàn, các chủ thể thực hiện đưa sản phẩm và bán trên sàn, bưu điện chỉ thu phí chuyển phát từ người mua hàng. Ngoài ra, thường xuyên có các đợt hỗ trợ chi phí chuyển phát để tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm sản phẩm” - ông Bình cho biết.

Mô hình gian hàng thực tế ảo VRMALL. Ảnh: H.Đ
Mô hình gian hàng thực tế ảo VRMALL. Ảnh: H.Đ

Nắm bắt xu hướng sàn giao dịch điện tử, Công ty CP Giải pháp chuyển đổi số - doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại TP.Đà Nẵng đã cho ra đời sản phẩm VRMALL. Đây là nền tảng cho phép các showroom, cửa hàng và các doanh nghiệp bán lẻ dễ dàng mở cửa hàng trưng bày sản phẩm, kinh doanh trực tuyến. VRMALL cung cấp cho người dùng một trải nghiệm mua sắm trực tuyến mới mẻ và đầy thú vị, giúp các showroom, cửa hàng nâng cao niềm tin của khách hàng; tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng tiếp cận, kết nối với khách hàng toàn cầu.

Theo ông Đinh Hồng Ân - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Giải pháp chuyển đổi số, qua các lần tham gia trưng bày triễn lãm, hội chợ, ông nhận thấy việc các gian hàng chưa thể kịp thời tiếp cận khách hàng nên hình thành ý tưởng xây dựng gian hàng thực tế ảo cho các công ty, đối tác. Với các chủ thể sản phẩm OCOP, khởi nghiệp thì công ty có chính sách ưu đãi khi giá thuê gian hàng ảo với phí rất rẻ.

 

[VIDEO] – Mô hình gian hàng thực tế ảo - sản phẩm khởi nghiệp mới lạ:

 

Tại Núi Thành, Chương trình OCOP triển khai từ những tháng cuối năm 2018, đến nay toàn huyện đã có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 18 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Thông qua tổ giúp việc, chính quyền đã làm việc cụ thể với chủ thể sản phẩm để xác định những nội dung cần thực hiện, cần đầu tư, từ đó kịp thời đề xuất hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để chủ thể có thêm nguồn lực dễ thực hiện hơn.

 

[VIDEO] – Nhiều sản phẩm OCOP Núi Thành mang nét đặc trưng của địa phương:

Tuy nhiên, các địa phương cũng nhận ra những hạn chế trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP là rơi vào “lối mòn”, đó là sản phẩm của nhiều địa phương na ná nhau, sau khi công nhận, xếp hạng thì giậm chân tại chỗ, không thể phát triển theo hướng sản phẩm hàng hóa...

“Huyện đã tập trung hỗ trợ kinh phí để chủ thể OCOP để nâng cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Cạnh đó chúng tôi động viên chủ thể các sản phẩm ưu tiên xây dựng sản phẩm có thế mạnh về thủy hải sản, nông nghiệp có nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương. Trẻ hóa người quản lý, tổ chức sản xuất và kinh doanh có kỹ năng tốt để thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại điện tử... Làm tốt các khâu này thì OCOP Núi Thành sẽ đi đúng hướng, đúng mục tiêu của chương trình” - ông Linh cho biết.

Một số sản phẩm OCOP của Núi Thành. Ảnh: H.Đ
Một số sản phẩm OCOP của Núi Thành được hình thành từ thế mạnh của địa phương. Ảnh: H.Đ
Tiên Phước trở thành địa phương phát triển mạnh OCOP khi lồng ghép nhiều nguồn lực, xây dựng thành công vùng nguyên liệu nông nghiệp. Ảnh: H.Đ
Tiên Phước trở thành địa phương phát triển mạnh OCOP khi lồng ghép nhiều nguồn lực, xây dựng thành công vùng nguyên liệu nông nghiệp. Ảnh: H.Đ
 

Tương tự, qua 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Tiên Phước là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm với 36 sản phẩm được công nhận. Trong đó, có 15 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao trong tổng số 333 sản phẩm toàn tỉnh. Để có thành công này, ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp chương trình OCOP, hằng năm huyện đã lồng ghép nhiều nguồn kịp thời hỗ trợ cho các chủ thể.

Bên cạnh hỗ trợ về đất đai, hình thành vùng nguyên liệu còn kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện chu trình OCOP, xây dựng chuỗi giá trị, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đến nay, mỗi chủ thể có sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bình quân từ 100 - 200 triệu đồng.

[VIDEO] - Tiên Phước hỗ trợ cho các sản phẩm có thế mạnh về kinh tế vườn:

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hùng Anh, Tiên Phước bước đầu đã xây dựng được các nhóm sản phẩm OCOP đặc trưng thế mạnh của địa phương có năng suất, chất lượng tốt như nhóm sản phẩm thảo dược, nhóm sản phẩm trầm hương, nhóm sản phẩm dầu gấc, dầu mè, dầu phộng, nhóm sản phẩm mì bún, nhóm sản phẩm trái cây…

Qua đó, đã hình thành được các bộ sản phẩm, dòng sản phẩm thế mạnh với bao bì, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt như dòng sản phẩm thảo dược của HTX Nông dược xanh Tiên Phước (25 sản phẩm); bộ sản phẩm trầm hương của HTX Trầm hương Tiên Kỳ (9 sản phẩm); dòng sản phẩm rượu các loại của HTX Nhật Linh và HTX Phước Tuyên (3 sản phẩm); bộ sản phẩm vật dụng từ cây cau (11 sản phẩm) của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Tiên Phước; dòng sản phẩm dầu phộng, dầu mè, dầu gấc của Cơ sở sản xuất Thanh Toàn (12 sản phẩm); các sản phẩm bánh tráng, mì khô của HTX Địch Yên (4 sản phẩm).

 
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Hướng mới cho sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO