(QNO) - Thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam là một trong những địa phương chủ lực khi có sâm Ngọc Linh. Để phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My tính toán nhiều phương án bảo tồn nguồn gen gốc, chống sâm kém chất lượng trà trộn, bảo vệ môi trường rừng.
Phiên chợ sâm hằng tháng và lễ hội sâm Ngọc Linh hằng năm là thời điểm du khách và người có nhu cầu mua sâm đổ về huyện Nam Trà My tìm hiểu, mua sâm nhiều nhất. Bởi đây là nơi mua sâm Ngọc Linh được chính quyền địa phương bảo hộ, đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm.
[VIDEO] - Phiên chợ sâm Ngọc Linh:
Ông Trịnh Minh Quý - Phó Tổ thẩm định sâm Ngọc Linh tại phiên chợ cho biết, tất cả sâm Ngọc Linh đưa vào phiên chợ đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Do chưa có máy móc hiện đại nên các thành viên sẽ kiểm tra bằng kinh nghiệm cá nhân qua đặc điểm về màu sắc, hình dáng củ, lá. Nếu đúng sâm Ngọc Linh bản địa sẽ cho phép đưa vào phiên chợ. Trường hợp nghi ngờ thì tổ sẽ giữ lại, xác minh nguồn gốc và không đưa vào chợ để đảm bảo an toàn, chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 tổ chức vừa qua, Tổ thẩm định phát hiện hơn 2 kilogam nghi là giả sâm Ngọc Linh đang có ý định trà trộn vào phiên chợ. Lượng sâm này thuộc sở hữu của một doanh nghiệp trồng sâm tại xã Trà Cang (Nam Trà My). Do một số đặc điểm về thân, củ khác với sâm bản địa nên tổ thẩm định lấy mẫu gửi đơn vị giám định. Đồng thời trả số lượng sâm này về doanh nghiệp, không cho phép mang vào phiên chợ.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thừa nhận, rất khó để khẳng định bằng mắt thường sâm giả hay thật. Với phiên chợ chỉ bán sâm Ngọc Linh bản địa, các củ sâm nghi ngờ sẽ không được tham gia chứ cũng không phải khẳng định đó là sâm giả.
Ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng, lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát đảm bảo các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh bày bán trong phiên chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, niêm yết cụ thể giá cả, có bản kê lâm sản giữa chủ vườn và người kinh doanh tại phiên chợ, có xác nhận của UBND xã quản lý.
Ngoài ra, đơn vị chỉ đạo các đội quản lý thị trường tập trung quản lý địa bàn, tăng cường giám sát doanh nghiệp, đơn vị có kinh doanh mặt hàng sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. Đồng thời tổ chức cho các đơn vị kinh doanh mặt hàng này ký cam kết không buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thời gian qua các cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp sản phẩm giả sâm Ngọc Linh xuất hiện trên thị trường truyền thống.[VIDEO] - Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh - Thành viên Tổ kiểm định sâm nói về công tác kiểm định sâm Ngọc Linh trước khi đưa vào phiên chợ:
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam khuyến cáo người tiêu dùng có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh nên trực tiếp đến các phiên chợ sâm diễn ra từ ngày 1 - 3 hằng tháng tại Nam Trà My. Trường hợp khó tiếp cận phiên chợ, người tiêu dùng nên liên hệ doanh nghiệp kinh doanh sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh có địa chỉ rõ ràng, cụ thể, sản phẩm có nhãn hàng hóa theo quy định…
HTX cộng đồng Ngọc Linh do bà Hồ Thị Mười làm giám đốc đã thu hút 15 hộ dân diện khó khăn tại xã Trà Linh tham gia thành viên, cùng 19 nhóm hộ liên kết cung ứng sản phẩm sâm Ngọc Linh và dược liệu theo hợp đồng. Thời gian qua, HTX đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu với 10ha sâm Ngọc Linh đã được trồng.
Với kinh nghiệm trồng, mua - bán sâm Ngọc Linh hơn chục năm qua, bà Nguyễn Thị Huỳnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm nói rằng, với người dân ở vùng sâm, việc bảo vệ vườn sâm cũng như thương hiệu sâm Ngọc Linh luôn được quan tâm. Ngoài thu hoạch sâm Ngọc Linh tại vườn trồng, bà Huỳnh cũng mua sâm từ trong dân.
[VIDEO] - Các doanh nghiệp trồng sâm cam kết đưa các loại sâm chất lượng đến với khách hàng nhằm bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh:
Khi việc kinh doanh online trở thành xu hướng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh ngày càng cao, thì việc kinh doanh tại phiên chợ sâm hằng tháng chỉ diễn ra trong 3 ngày sẽ không phát huy hiệu quả cao như mong muốn. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ trồng, kinh doanh sâm sau khi kết nối khách hàng tại phiên chợ đã có thể giao dịch online, bán ra hàng chục ký sâm mỗi năm. Mặt khác, để tạo niềm tin khách hàng, người trồng sâm đưa khách hàng đến tận vườn để tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, sau đó thực hiện các giao dịch theo các hợp đồng, cam kết.
Hiện nay UBND huyện Nam Trà My đang trong quá trình xây dựng sàn thương mại điện tử chuyên về giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và dược liệu vùng cao Nam Trà My. Đây là hướng đi phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước hiện đại hóa và hướng tới chuyên nghiệp việc kinh doanh sâm Ngọc Linh trên nền tảng số.
Ông Trần Văn Mẫn cho biết, từ khi sâm Ngọc Linh có giá trị cao trên thị trường đã xuất hiện tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có gắn mác sâm Ngọc Linh trên không gian mạng. Điều này gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương. Do đó, việc ra đời sàn thương mại điện tử có sự cam kết của UBND huyện Nam Trà My về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sẽ tạo dựng niềm tin với khách hàng, đối tác. Đồng thời tạo cơ hội để các hộ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và chất lượng hàng hóa. Qua đó, tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử, giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến khách hàng.
Phát huy cách trồng sâm truyền thống của người địa phương và áp dụng giải pháp kỹ thuật trong nhân giống đang giúp huyện Nam Trà My bảo tồn hiệu quả nguồn gen gốc, đảm bảo sản phẩm sâm Ngọc Linh chất lượng.
Phát huy cách làm địa phương
Già làng Nguyễn Văn Dũng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng từ năm 1990 đến nay. Kinh nghiệm trồng, nhân giống sâm được ông đúc kết qua nhiều năm ăn rừng, ngủ núi, sướng khổ cùng sâm.
Già làng Nguyễn Văn Dũng cho biết, khi sâm đậu hạt sẽ đan những chiếc rọ nhỏ bằng tre bọc chùm hạt để tránh sâu, chuột phá hoại. Sau đó sẽ cắt lá nách để nuôi hạt, giữ củ. Khi hạt chín, khô thì thu hoạch. Để gieo ươm, già dùng đất mùn - loại đất hình thành từ các loại cây, lá khô, hoai mục. Khi gieo hạt, tùy vào thời tiết sẽ gia giảm lượng nước tưới phù hợp. Thời tiết bình thường thì tháng tưới 2 - 3 lần, tháng khô hạn thì tuần tưới 2 - 3 lần, như vậy hạt giống mới nảy mầm và cây phát triển tốt.
Khi gieo ươm, già làng Nguyễn Văn Dũng dùng cây lồ ô, nứa để làm mái che, hạn chế sương muối, sâu bệnh gây hại. Khi sâm cao 20cm, lá xanh tốt là đạt chuẩn. Bên cạnh hướng dẫn cách trồng, chăm sóc sâm hiệu quả, ông thường xuyên tuyên truyền bà con cách phân biệt sâm thật, giả.
[VIDEO] - Người dân trồng sâm dưới tán rừng bằng kinh nghiệm tích lũy nhiều năm:
Áp dụng kỹ thuật
Để bảo tồn nguồn gen gốc và cung cấp giống hàng năm, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam xây dựng Trạm dược liệu Trà Linh tại xã Trà Linh, Nam Trà My. Trạm quản lý 50ha rừng đặc dụng, trong đó hơn 11ha trồng khoảng 250.000 cây sâm. Trong năm 2022, đơn vị thu được hơn 170.000 hạt. Nhờ bảo tồn và chăm sóc tốt nên dự báo năm nay số lượng hạt thu được sẽ vượt năm trước.
Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chia sẻ, để có nguồn gen tốt, đơn vị tập trung tuyển chọn những cây đầu dòng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại huyện Nam Trà My cũng như di thực sang vùng trồng khác theo chủ trương của tỉnh.
Tại Quảng Nam, nguồn cây giống sâm Ngọc Linh chủ yếu được cung cấp từ 2 đơn vị do Nhà nước quản lý là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My. Hai đơn vị này mỗi năm cung cấp khoảng 270.000 cây giống. Ngoài ra, người dân tại các chốt trồng sâm và doanh nghiệp sản xuất được từ 500 nghìn đến 1 triệu cây giống mỗi năm.
[VIDEO] - Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chia sẻ về việc áp dụng kỹ thuật trong bảo tồn gen gốc:
Hiện nay việc chưa có quy hoạch chi tiết vùng trồng cụ thể, phân định khu vực của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc phát triển sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My. Do đó, khi có doanh nghiệp xúc tiến đầu tư thì địa phương lúng túng trong xác định vùng quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh.
Theo UBND huyện Nam Trà My, các hạng mục phục vụ công tác quy hoạch và phát triển sâm Ngọc Linh về hạ tầng, giao thông, điện nước, trồng rừng... nằm tại khu vực địa hình xa xôi, cần nguồn kinh phí đầu tư khá lớn; trong khi đó nguồn ngân sách bố trí hằng năm còn hạn chế.
Công tác nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống đối với phương pháp vô tính đã được triển khai nhưng kết quả đem lại chưa đạt như mong muốn. Người dân chưa quan tâm đến việc khai báo để xác nhận nguồn gốc xuất xứ của sâm Ngọc Linh nên chưa thể chứng nhận nguồn gốc và cơ sở ươm trồng nhân tạo sâm Ngọc Linh, do đó không thể sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh.
Tình hình di thực các loại giống sâm Ngọc Linh giả đang diễn biến phức tạp, trong khi đó nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị... đầu tư cho phát triển sâm Ngọc Linh còn nhiều hạn chế (cán bộ chuyên môn chưa được đào tạo, máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ giám định, kiểm định chất lượng chưa có...) nên công tác thẩm định, chất lượng sâm Ngọc Linh còn nhiều khó khăn.
Theo Quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, sớm ổn định và phát triển kinh tế trong nhân dân theo hướng hàng hóa tập trung có quy mô, quy hoạch và phát triển thành vùng cung cấp nguyên liệu ổn định. Tập trung đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My. Đồng thời bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, tiến tới bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.
Ông Trần Văn Mẫn cho biết, Quyết định số 611 khi hiện thực hóa trên địa bàn huyện Nam Trà My sẽ có cơ sở tháo gỡ nhiều khó khăn địa phương đang gặp phải. Đồng thời, góp phần quan trong trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh có quy mô lớn gắn với chế biến sâu các loại sản phẩm để gia tăng giá trị, qua đó giải quyết nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ông Mẫn đề xuất, cùng với sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp tại chỗ để tạo nguồn nguyên liệu, cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đủ mạnh đầu tư phát triển bền vững sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) về quy mô diện tích và định hướng vùng trồng, với phương châm hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường. Phát triển theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa không những phục vụ thị trường trong nước mà hướng đến thị trường nước ngoài.
[VIDEO] - Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ tầm quan trọng của việc xây dựng trung tâm giống sâm Ngọc Linh:
Hiện nay trên địa bàn huyện Nam Trà My đã hình thành 93 chốt trồng sâm với hơn 1.500 hộ đăng ký trồng khoảng 1.650ha. Huyện cũng đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh ở 7 xã thuộc vùng quy hoạch, thu hút được18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng.