[eMagazine] - Bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam

DIỄM LỆ - HỒ QUÂN 08/11/2022 09:26

(QNO) – Để bảo tồn nguồn gen giống, hướng tới bảo lưu giá trị và định vị thương hiệu sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam, thời gian qua, bên cạnh các giải pháp chuyên môn từ chính quyền các cấp và ngành chức năng, thì vai trò của cộng đồng ngày càng được chú trọng. Tất cả đang tạo ra một rào chắn vững chắc, ngăn chặn giống sâm “ngoại lai” trà trộn vào thủ phủ sâm Ngọc Linh (Nam Trà My).

 
 

Ý thức được giá trị ngày càng lớn của sâm Ngọc Linh và những nguy cơ “lai tạp” từ bên ngoài, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp tham gia trồng sâm Ngọc Linh tại huyện miền núi Nam Trà My luôn nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ. Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể cho biết, chủ trương tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng giống sâm Ngọc Linh kém chất lượng từ bên ngoài lọt vào địa phương đã được triển khai từ nhiều năm trước. Và thực tế, khi chủ trương và hành động đi đôi đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao uy tín sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm khi đầu tư trồng sâm dưới tán rừng.

 
 

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp, người dân địa phương cũng cam kết “nói không” với tình trạng mua, bán sâm không đảm bảo chất lượng từ bên ngoài. Nhiều hộ trồng sâm đã tự gieo ươm tại chỗ, hỗ trợ hộ khó khăn trong phát triển kinh tế, mở rộng vườn trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Đồng thời tránh việc nhập sâm “giá rẻ” về trồng và dán nhãn sâm Ngọc Linh.

 

[VIDEO] - Người dân thu hoạch hạt, tự gieo trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh:

Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Lượng (nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh) nhiều năm qua đã dùng nhân lực địa phương và trả công cho họ bằng sâm giống bản địa. Điều này vừa giúp người dân có thêm điều kiện trồng sâm, phát triển kinh tế, vừa nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn nguồn gen giống sâm Ngọc Linh.

 

Còn già làng Hồ Văn Du (nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh) - người đầu tiên của cộng đồng Xê Đăng trồng, chăm sóc và phát triển sâm Ngọc Linh, đang giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giống sâm chuẩn tại địa phương. Ông luôn phát huy vai trò của người có uy tín trong làng, khuyến khích người dân trồng sâm dưới tán rừng và không nên mua giống sâm từ bên ngoài.

 

[VIDEO] - Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể chia sẻ về việc trồng và bảo vệ sâm Ngọc Linh của người dân địa phương:

 

Năm 2015, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN&PTNT) tiếp nhận nguyên hiện trạng Trạm dược liệu (đặt ở xã Trà Linh, Nam Trà My) do Sở Y tế Quảng Nam bàn giao, với hơn 170 nghìn cây sâm tại vườn sâm gốc, được trồng trên diện tích 4,15ha. Sau khi tiếp nhận, trung tâm này đã thực hiện các kỹ thuật chống xói mòn, rửa trôi do độ dốc lớn; phòng chống dịch bệnh trên cây sâm, nhân giống sâm…

 

Đến nay, diện tích trồng sâm của trung tâm đã tăng lên hơn 10ha, chiếm hơn 1/5 tổng diện tích được giao phục vụ công tác trồng, bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Theo thống kê, số lượng sâm giống từ 2 năm tuổi trở lên tại vườn sâm giống là hơn 252 nghìn cây. Hiện số sâm giống này đã được trung tâm cung ứng cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện Nam Trà My trồng, chăm sóc ở vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.

Sâm giống Ngọc Linh. Ảnh: Q.L
Sâm giống Ngọc Linh. Ảnh: Q.L

Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, bên cạnh bảo tồn, nhân giống, trung tâm còn tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu.

Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT ban hành “Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây sâm Ngọc Linh”. Đây là cẩm nang để cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người dân trong việc trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Đến nay có khoảng 1.000 hộ dân tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam đã được tập huấn kỹ thuật.

 
 

Thực hiện lộ trình gìn giữ giống sâm Ngọc Linh, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã thực hiện 2 đề án khung nhằm phục vụ xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh đến năm 2030 được Bộ Khoa học & công nghệ phê duyệt. Cục Trồng trọt (thuộc Bộ NN&PTNT) đã cấp Bằng bảo hộ giống đối với cây trồng mới sâm Ngọc Linh tại trung tâm, đồng thời công bố tiêu chuẩn cơ sở cây giống sâm Ngọc Linh.

Đây là những cơ sở khoa học và hành lang pháp lý để thực hiện công tác bảo tồn nguồn gen, đẩy mạnh sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn.

Vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Q.L
Vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Q.L

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, bên cạnh những cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây dược liệu, huyện Nam Trà My cũng chủ động ban hành các cơ chế phù hợp, khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm.

Hiện Nam Trà My có 7 xã được quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, gồm Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng và Trà Don với tổng diện tích quy hoạch gần 15.570ha. Tổng diện tích rừng cho thuê dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện để trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu là hơn 790ha, với 41 nhóm hộ/512 hộ dân và 18 tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, một số nhóm hộ, doanh nghiệp đã lập thủ tục thuê dịch vụ môi trường rừng, trình các cơ quan chuyên môn xem xét, phê duyệt, với tổng diện tích hơn 900ha. 

 
 

Theo các chuyên gia nghiên cứu về dược liệu, sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm có hàm lượng Saponin khung Dammaran cao nhất (khoảng 12 - 15%) và lượng Saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax trên thế giới.

Dược sĩ Đào Kim Long (áo nâu) tại Hội thảo sâm Ngọc Linh được tổ chức vào tháng 8.2022. Ảnh: Q.L
Dược sĩ Đào Kim Long (áo nâu) tại Hội thảo sâm Ngọc Linh được tổ chức vào tháng 8.2022. Ảnh: Q.L

Dược sĩ Đào Kim Long - người đã có những nghiên cứu và công bố đầu tiên về cây sâm Ngọc Linh nói rằng, Quảng Nam hay Kon Tum đều phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây sâm quý hiếm này. Kinh nghiệm những năm tháng "nằm rừng" cùng những người dẫn đường là cư dân bản địa vùng núi Ngọc Linh, ông đã nghe rất nhiều câu chuyện thú vị có thật trong nhân dân về cây thuốc giấu của đồng bào Xê Đăng có tác dụng chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền.

 

Dược sĩ Đào Kim Long kể, 9 giờ ngày 19/3/1973 là thời điểm không thể nào quên đối với ông và đoàn nghiên cứu. Ở độ cao 1.800 mét so với mực nước biển, đoàn phát hiện hai cây sâm đầu tiên, ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu, ông đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Sau khi cây sâm ở núi Ngọc Linh được phát hiện, Khu ủy Khu 5 chỉ đạo Ban dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Đến nay, sâm Ngọc Linh đã được xác định là loại sâm quý hiếm bậc nhất thế giới bởi những dược tính không có loại sâm nào sánh bằng.

 

[VIDEO] - Dược sĩ Đào Kim Long chia sẻ về giá trị dược liệu của sâm Ngọc Linh:

Bộ NN&PTNT đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo đề án “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chương trình này có nhiều dự án thành phần quan trọng với nguồn lực đầu tư khá lớn, hy vọng sẽ tạo động lực phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia... 

 
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam đang hướng đến việc cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu, vì vậy rất cần các bộ, ngành cũng như những vùng phụ cận bàn bạc, đề xuất, thảo luận, cùng nhau định hướng, tìm ra những giải pháp nhằm phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm thương hiệu sâm quốc gia Việt Nam, là "quốc bảo" cần được bảo vệ. Từ đó mới có thể đột phá trong thu hút các nhà đầu tư có năng lực phát triển sản xuất theo quy mô công nghiệp gắn với chế biến sâu nhiều loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đồng thời, có thể nuôi trồng, sản xuất và chế biến, thương mại sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Quảng Nam và vùng phụ cận cần sự hỗ trợ tích cực trong xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển rừng bền vững gắn với du lịch xanh, tạo sinh kế cho người dân tại các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và xây dựng chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh; hướng tới xây dựng vườn giống quốc gia và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh, với sản phẩm chủ lực là sâm Ngọc Linh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO