(QNO) - Chuyển đổi số ở từng cấp ngành, địa phương đang gặp không ít thách thức do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Sẽ còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên các nhà quản lý, các cấp chính quyền và cả người dân, doanh nghiệp cần xác định đích đến của chuyển đổi số phải đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển xã hội.
Quảng Nam hiện có 37 xã thí điểm xây dựng xã thông minh; nhiều thôn, khối phố thành lập tổ công nghệ số cộng đồng… Quảng Nam mong muốn thực hiện chuyển đổi số nhanh, hiệu quả với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Từ năm 2021, xã Cẩm Thanh (Hội An) được chọn là 1 trong 15 xã đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Tổ công nghệ cộng đồng (CNCĐ) là bộ phận quan trọng trong việc đưa công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Đến tháng 4/2022, xã Cẩm Thanh đã thành lập 6 tổ CNCĐ tại 6 thôn.
Từ tháng 4/2022 đến nay, các tổ CNCĐ xã Cẩm Thanh đã phát 2.500 tờ rơi tuyên truyền về CĐS đến hộ gia đình; phối hợp với các doanh nghiệp tập huấn, tuyên truyền CĐS cho hơn 600 người dân; hỗ trợ đưa 4/4 sản phẩm OCOP của địa phương và 5 sản phẩm truyền thống lên sàn thương mại điện tử PostMart; hướng dẫn người dân sử dụng trang zalo điện tử của xã để tiếp cận thông tin về kinh tế xã hội, tra cứu căn cước công dân, tra cứu và nộp thủ tục hành chính trực tuyến…
Các tổ CNCĐ đã hỗ trợ bộ phận một cửa hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, giúp nâng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của xã đến tháng 8/2022 đạt 79%. “Tổ CNCĐ ở gần dân, sát dân; là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo CĐS. Thời gian đến, Ban chỉ đạo CĐS của xã sẽ tiếp tục phát huy các tổ CNCĐ trong thực hiện CĐS du lịch, nông nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt…" - bà Ngô Thị Huyền Trân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói.
Ông Lê Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm VNPT-IT khu vực 3 (Tập đoàn VNPT) cho rằng, theo đánh giá chỉ số chuyển đổi số năm 2011, Quảng Nam đứng thứ 3 khu vực miền Trung nhưng chỉ số về thể thể chế đứng thứ nhất. Điều đó cho thấy chính quyền đã tạo điều kiện, cung cấp cơ sở, điều kiện pháp lý để cùng các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, người dân vận hành CĐS.
Khi người dân thụ hưởng, cảm nhận sẽ phản ánh thực trạng CĐS, làm cho toàn bộ hệ thống vận hành từ chính quyền dẫn dắt đến các nhà doanh nghiệp phải mạnh lên, giống như vòng xoáy ngược.
Toàn tỉnh có 814 tổ CNCĐ cấp thôn được thành lập, 171/241 xã đã triển khai thành lập tổ CNCĐ, với hơn 3.558 người tham gia.
Cũng là địa phương được chọn thí điểm CĐS, phường Tân Thạnh (Tam Kỳ) có nhiều cách làm sáng tạo thúc đẩy CĐS như sáng kiến “Công dân không viết”, mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt”…
Ông Dương Quốc Long (SN 1967), một người dân Tân Thạnh cho biết, ông đến UBND phường Tân Thạnh làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân cho người thân. Ông được cán bộ tư pháp - hộ tịch phường hướng dẫn dùng điện thoại thông minh quét mã QR tại bảng tra cứu thủ tục hành chính để tải mẫu tờ khai sau đó khai thông tin trực tuyến mà không cần phải viết ra giấy.
“Chưa đầy 5 phút tôi đã đăng ký xong và cán bộ phường trả lời hồ sơ được giải quyết, trả kết quả trong ngày” - ông Long nói.
Đường Trần Quý Cáp (khối phối Hòa Nam, phường Tân Thạnh) vừa được chọn thí điểm tuyến phố không dùng tiền mặt nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia CĐS thông qua phương thức thanh toán số. Chủ trương này đang nhận được sự hưởng ứng của các hộ kinh doanh trên tuyến phố.
Bà Lê Thị Yến, chủ quán cà phê Mr.Q (số 153 - 155 Trần Quý Cáp) cho biết, hiện tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở quán khoảng 10% và có xu hướng tăng thêm. Hình thức này rất tiện cho cả khách hàng lẫn nhân viên quán. Khách dễ dàng thanh toán số tiền nhỏ, không cần mang theo ví và nhân viên cũng không phải mất thời gian đếm, lui tiền cho khách…
Nhằm tuyên truyền và tạo thuận lợi để người dân tiếp cận với ứng dụng thanh toán số, Viettel đã hỗ trợ phường Tân Thạnh xây dựng hàng chục pano in mã QR ứng dụng Viettel Money đặt tại các cửa hàng, quán ăn dọc tuyến phố. Ngoài đường Trần Quý Cáp, các phường tổ chức thí điểm 8 tuyến phố không dùng tiền mặt.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương đã thực hiện mô hình "Công dân không viết" từ tháng 9/2021, mô hình "Ngày thứ Tư, thứ Năm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến" từ tháng 7/2022; thực hiện chuyển giao tiếp nhận hồ sơ hành chính công qua dịch vụ Bưu chính công ích từ tháng 8/2022. Thành phố tiên phong thực hiện thí điểm các phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp; các phần mềm quản lý an sinh xã hội, giao dịch điện tử, quy hoạch, đất đai...
Phát triển đô thị thông minh suy cho cùng mục đích lớn nhất là để phục vụ hữu hiệu cho thị dân. Và để đô thị thông minh không là khái niệm mông lung thì rất cần định hướng khung kiến trúc, chuyển đổi số để mang lại tiện ích cho người dân.
Cần cơ sở dữ liệu tốt hơn
Hội An vốn là đô thị dễ hứng chịu tổn thương từ thiên tai. Những đợt lũ lên xuống liên tục trong mùa mưa khiến cuộc sống của một bộ phận người dân bị đảo lộn và luôn trong trạng thái thấp thỏm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, người dân ở Hội An ngồi ở nhà vẫn có thể theo dõi được diễn biến lụt bên cạnh việc nhận thông báo về mức báo động như hiện nay, nếu có hệ thống camera tại các vị trí đánh dấu lũ lụt (cầu, cống…) và dữ liệu tại các vị trí này được công khai 24/24 giờ.
Thông qua hệ thống thời gian thực, người dân sẽ linh hoạt ước lượng về thời điểm phải di dời người, tài sản tránh lũ, giảm thiểu tổn thất tài sản do không kịp dọn hoặc phải vất vả dọn nhưng lũ không lớn như dự báo.
Tại Tam Kỳ, nhờ chuyển đổi số (CĐS), người dân đã có thể đăng ký thủ tục làm căn cước công dân trong 1 phút; mua hàng tại 9 tuyến phố mà không cần dùng tiền mặt… Ngoài kết quả tích cực ban đầu, quá trình CĐS về các thủ tục hành chính của thành phố còn lắm bộn bề.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, hiện vẫn có tình trạng làm phần mềm theo ngành dẫn đến quá nhiều ứng dụng (“app”), rất phức tạp trong việc tích hợp. Trong khi đó, công dân khi xử lý thủ tục thì luôn muốn các thao tác nhanh, thuận lợi nhất có thể.
Các nhà đầu tư muốn mọi thao tác được thực hiện qua nền tảng số để có sự chủ động trong việc nắm thông tin liên quan đến dự án cũng như minh bạch hóa chính sách. Nhưng trở ngại nhất trong việc số hóa vẫn là thiếu cơ sở dữ liệu.
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, sở đang theo dõi khoảng 2.500 danh mục dự án, trong đó 1.300 dự án đầu tư công. Đơn vị đang tiến hành chạy thử phần mềm quản lý đầu tư công và bản đồ xúc tiến đầu tư để hoàn thiện trước khi đưa vào vận hành.
Theo một chuyên gia của Bộ TT-TT, nếu có cơ sở dữ liệu tốt từ CĐS, hiệu quả trong đầu tư phát triển đô thị tăng lên là xu thế tất yếu. Đơn cử như quyết định đầu tư giao thông sẽ dựa vào dữ liệu mật độ và lưu lượng giao thông cụ thể trong từng thời điểm chứ không phải dựa vào báo cáo quan sát tư vấn như hiện nay, còn đầu tư trường tiểu học mới sẽ dựa trên số lượng trẻ em khu vực đó sinh ra hằng năm.
UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án Số hóa hồ sơ địa chính tại thị xã Điện Bàn, giai đoạn 2022 - 2023. Mục tiêu dự án là phục vụ việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nguồn gốc đất qua các thời kỳ; giải quyết hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng mức độ 3 trên phần mềm một cửa. Dự án được kỳ vọng giải quyết bài bản hơn việc quản lý thông tin địa chính, quản lý nhà nước về đất đai ở một thị xã đang phát triển đô thị mạnh mẽ và có khối lượng hồ sơ địa chính, thủ tục đất đai lớn nhất tỉnh.
Chờ khung kiến trúc cho đô thị thông minh
Cả TP.Tam Kỳ và TP.Hội An đều đã thông qua đề án chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, cả 2 thành phố đang khá dè dặt vì chưa có khung kiến trúc chuẩn cho phát triển ĐTTM.
“Trong khi chưa có khung chuẩn, nếu sắp tới phát triển không đúng thì sẽ rất lãng phí nguồn lực. Do đó cơ quan thẩm quyền cần sớm có định hướng, ban hành khung kiến trúc ĐTTM” - ông Nguyễn Hồng Lai nói.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải có một khung kiến trúc tổng thể cho việc xây dựng kiến trúc công nghệ (ICT) phục vụ phát triển ĐTTM. Một khi có khung kiến trúc thì mới có quy hoạch tổng thể, xác định chiến lược, lộ trình, mức độ ưu tiên cho các lĩnh vực dịch vụ ĐTTM.
Ông Lê Tiến Việt - Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ công nghiệp The One nói: “Mục tiêu của CĐS lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nên kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tại Quảng Nam cần giúp người dân thụ hưởng môi trường sạch, dịch vụ thuận tiện và an toàn trước các nguy cơ, rủi ro. Đối với các doanh nghiệp, phải hướng đến việc giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo”.