[eMagazine] - Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của người khởi nghiệp

H.QUÂN - M.LINH 09/10/2022 21:04

(QNO) – Chuyển đổi số là thước đo hiệu quả quá trình sản xuất kinh doanh, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, chủ thể OCOP cũng như người khởi nghiệp. Thời gian qua, rất nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh bắt đầu thích ứng, đầu tư cho công cuộc chuyển đổi số, bắt kịp sự phát triển chung hiện nay.

 
 

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chung, tất yếu, biến động từng ngày buộc người dân, doanh nghiệp phải thích nghi và không ngừng thay đổi. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, chuyển đổi số là quá trình thay đổi về phương thức làm việc, sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống. Với doanh nghiệp và người khởi nghiệp, hướng đi này gần như bắt buộc để tồn tại và phát triển.

Lãnh đạo sở, ngành và các chuyên gia truyền đạt những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số cho người khởi nghiệp. Ảnh: H.Q
Lãnh đạo sở, ngành và các chuyên gia truyền đạt những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số cho người khởi nghiệp. Ảnh: H.Q

Ông Lê Hùng Anh - Tổng Giám đốc BIN Corporation Group là người khởi nghiệp từ việc tận dụng công nghệ và chuyển đổi số. Gần đây, doanh nhân gốc Quảng Nam này được nhiều người biết đến hơn khi trở thành nhà đầu tư trong Chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam mùa 5. Đúc rút kinh nghiệm bản thân và những cơ hội làm việc với các doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp, theo Shark Hùng Anh thì chuyển đổi số thật ra không khó, song buộc người khởi nghiệp phải thật kiên trì.

 

Ông Hùng Anh phân tích, người khởi nghiệp bắt đầu với quy mô nhỏ thì số liệu có thể tính nhẩm được. Tuy nhiên, nếu chỉ tính nhẩm thì mô hình gần như khó bức phá lên được. Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống hàng giờ, hàng ngày là khâu rất quan trọng. Từ đó người khởi nghiệp có thể tính toán, trong một giai đoạn nhất định thì lợi nhuận như thế nào, mức độ tiếp cận khách hàng tới đâu hoặc dây chuyền, nhân viên nào yếu, có vấn đề…, qua đó sớm có phương án xử lý, khắc phục.

 

Hiện nay, internet tạo ra kỷ nguyên số hoàn toàn mới, đã và đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, người khởi nghiệp ở mọi nơi, từ nông thôn, miền núi cho đến thành thị. Chủ doanh nghiệp có thể ngồi tại chỗ để tổ chức kết nối, giao thương đến nhiều nơi mà không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý.

Ông Lê Hùng Anh nhìn nhận, khởi nghiệp vùng nông thôn sẽ có lợi thế vì chi phí nhân công thấp và gần vùng nguyên liệu. Nhưng nhược điểm là trình độ người lao động thấp, nhất là tiếng Anh nói riêng, ngoại ngư nói chung và khả năng tiếp cận với công nghệ. Để chuyển đổi số, người khởi nghiệp ở vùng nông thôn buộc phải nâng cao chất lượng nguồn lao động và đầu tư công nghệ.

Doanh nghiệp cập nhật dữ liệu hằng ngày lên hệ thống số. Ảnh: T.L
Doanh nghiệp cập nhật dữ liệu hằng ngày lên hệ thống số. 
 

Là một phần trong kinh tế số, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng và được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu. Ông Lê Hùng Anh cho biết, trong các doanh nghiệp của ông gần phần lớn doanh thu không dùng tiền mặt. Điều này cũng giúp hạn chế những vấn đề tiêu cực, rủi ro và giao dịch nhanh chóng hơn trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng.

Thực tế hiện nay, lợi thế đối với doanh nghiệp, người khởi nghiệp chính là hệ thống thanh toán trong nước phát triển, một thẻ có thể chấp nhận ở nhiều ngân hàng. Cạnh đó, hệ thống thanh toán nước ngoài như Visa, Master Card, VN Pay, America Express… cũng rất phổ biến.

Đáng nói, khi trở thành khách hàng thanh toán online với hệ thống giao dịch nước ngoài nhiều thì nhiều ngân hàng trong nước sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ, thuận lợi trong quá trình mua bán, thanh toán trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ, việc đấu nối với ngân hàng cần rất nhiều thủ tục.

“Hiện nay, các sàn thương mại điện tử trong nước hoàn toàn có chức năng hỗ trợ thanh toán nước ngoài, doanh nghiệp, người khởi nghiệp muốn bán hàng, giao dịch ra nước ngoài thì có thể niêm yết trên các sàn này. Khi hoàn thành việc bán hàng, giao dịch, sàn thương mại điện tử sẽ thanh toán ngược lại” – ông Hùng Anh nói.

Theo phân tích của ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia Chuyển đổi số - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô doanh nghiệp. Nếu không có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và luôn luôn phải đi theo sau, do toàn bộ hạ tầng, cách thức vận hành cũng như cấu hình chuỗi giá trị là nằm trên không gian thực, không gian vật lý.

Khi thay đổi và nhân rộng không gian thực vật lý sẽ đòi hỏi thời gian trễ để đáp ứng thị trường. Thông qua kiến trúc số, phát triển dịch vụ, sản phẩm cũng như chuỗi giá trị số, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tái cấu trúc, mở rộng, thêm mới hoặc nâng cấp cũng như cắt bớt quy mô và phạm vi hoạt động doanh nghiệp một cách dễ dàng.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ, họ gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi số. Do đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số một cách bài bản theo từng giai đoạn là yêu cầu cấp thiết để giúp doanh nghiệp hiểu biết, vận dụng và quản trị thành công các chuỗi giá trị.

[Video] - Chia sẻ của ông Lê Hùng Anh về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, khởi nghiệp:

 

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc HTX Best One (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) là một trong số ít những người khởi nghiệp trên địa bàn Quảng Nam mạnh dạn chuyển đổi số sớm. Ngay từ khi bắt đầu ra đời sản phẩm từ quả nhàu, chị đã sử dụng những nền tảng mạng xã hội sẵn có, miễn phí để quảng bá rộng rãi. Dần dà, từ Facebook, Youtube, Zalo… chị Nhung đầu tư làm website riêng, tìm cách kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Đáng chú ý, thông qua nền tảng internet, chị kết nối với khách hàng ở mọi nơi, cả khách hàng nước ngoài.

HTX Best One đẩy mạnh chuyển đổi số từ rất sớm. Ảnh: H.Q
HTX Best One đẩy mạnh chuyển đổi số từ rất sớm. Ảnh: H.Q

Theo chị Nhung, song hành với quảng bá, điều tiên quyết là sản phẩm của HTX luôn đảm bảo chất lượng và tạo sự hài lòng khi đến tay khách hàng. Trên các sản phẩm đều có mã QR, mã vạch để khách hàng tìm hiểu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, thông tin kiểm định… 

Hiệu quả trong quảng bá, chuyển đổi số đã tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý điều hành của HTX Best One. Chị Nhung chia sẻ, khi đi công tác hoặc không thể trực tiếp xuống xưởng, không thể làm việc với nhân viên, quản lý… song vẫn nắm được hiệu quả sản xuất, doanh thu bán hàng, phân công nhiệm vụ cho nhân viên… Và tất cả được gói gọn trong một chiếc smartphone.

 

[Video] - Chị Bùi Thị Tuyết Nhung – Giám đốc HTX Best One  chia sẻ về hiệu quả chuyển đổi số đối với doanh nghiệp mình:

Tương tự, chuyển đổi số tạo ra bước ngoặc lớn về kinh doanh, giúp HTX Chế biến nông sản, thực phẩm Bà Ba Hội (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) tăng 30% doanh thu mỗi năm.

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy – Giám đốc HTX này chia sẻ, sản phẩm chủ lực của HTX là bánh chưng – một loại sản phẩm truyền thống, thị trường truyền thống chiếm phần lớn. Tuy nhiên, với xu thế khách hàng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và qua các ứng dụng, HTX phải thay đổi phương thức kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số từ 3 năm trước.

 

Hiện HTX Chế biến nông sản, thực phẩm Bà Ba Hội có đại lý tại 54/63 tỉnh, thành trong nước và sản phẩm có mặt ở thị trường Singapore và Mỹ. Phần lớn các đại lý, khách hàng kết nối, hợp tác, giao dịch qua mạng và thanh toán trực tuyến.

Bà Thủy nói, để bắt kịp xu hướng phát triển, HTX sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số ở những khâu quan trọng trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung sử dụng công nghệ thực phẩm để nâng thời hạn sử dụng của sản phẩm ở môi trường bình thường và không dùng phương pháp cấp đông khi xuất ra nước ngoài như hiện nay.

HTX Chế biến nông sản, thực phẩm Bà Ba Hội kinh doanh trên nền tảng số. Ảnh: H.Q
HTX Chế biến nông sản, thực phẩm Bà Ba Hội kinh doanh trên nền tảng số. Ảnh: H.Q

[Video] - Bà Huỳnh Thị Thu Thủy – Giám đốc HTX Chế biến nông sản, thực phẩm Bà Ba Hội chia sẻ kinh nghiệm bản thân về vấn đề chuyển đổi số:

Đến 2025, toàn tỉnh có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức, kết nối doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số. Khoảng 40% doanh nghiệp ứng dụng các hình thức thương mại điện tử và 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. 

 

Sự xuất hiện của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó, nhưng cũng tạo ra giai đoạn bùng nổ về công nghệ. Doanh nghiệp dần thay đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang online.

Hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp chuyển đổi số. Ảnh: H.Q
Hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp chuyển đổi số. Ảnh: H.Q

Bà Hồ Thị Mười - Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh (Nam Trà My) nói, người làm kinh doanh không thể trực tiếp đi xúc tiến thị trường trong giai đoạn dịch bệnh. Phần lớn các khâu đề thực hiện trên nền tảng số để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng. Để có được điều này, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng.

 

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên – Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời gian qua, Quảng Nam ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong công tác chuyển đổi số.

Đáng chú ý, Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030 có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp. Cụ thể là doanh nghiệp, người khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn cơ bản, chuyên sâu và có cơ hội tiếp cận, sử dụng nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sản phẩm OCOP Quảng Nam trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: H.Q
Sản phẩm OCOP Quảng Nam trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: H.Q

Đối với nền tảng số tin cậy, Bộ Thông tin – Truyền thông khuyến cáo người dân Việt Nam sử dụng nền tảng “made in Việt Nam” để đảm bảo an toàn thông tin. Riêng với người khởi nghiệp thì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) với 15 nền tảng tin cậy sẽ là một lựa chọn. Doanh nghiệp, người khởi nghiệp hoàn toàn có thể truy cập vào chương trình này để lựa chọn nền tảng phù hợp. Và các nền tảng Misa, Pay hoặc iOffice của VNPT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người khởi nghiệp trong việc quản trị, điều hành.

“Thời gian qua, rất nhiều sản phẩm OCOP, khởi nghiệp đã hỗ trợ để tham gia các sản thương mại điện tử. Trong đó, 2 sàn Post Mart của Bưu Điện Việt Nam và Vỏ Sò của Viettel sẽ giúp doanh nghiệp, người khởi nghiệp kinh doanh thuận lợi. Bởi, 2 sàn này thuộc 2 tập đoàn bưu chính, việc thu gom, vận chuyển, giao hành, thanh toán sẽ nhanh chóng, an toàn, đồng thời việc hỗ trợ hồ sơ, pháp lý sẽ kịp thời, đúng quy định” – bà Quyên nói.

Bà Phan Thị Á Kim – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, thời gian qua ngành đã ưu tiên ứng dụng công nghệ số, kết quả nghiên cứu công nghệ vào thực tiễn như truy suất nguồn gốc sâm Ngọc Linh và một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Sở KH&CN sẽ cập nhật cơ sở dữ liệu nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp triển khai trên địa bàn tỉnh trên ứng dụng Smart Quảng Nam để người dân truy cập, tra cứu. Đồng thời, phát triển các sàn giao dịch công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, khởi nghiệp. 

 
 

* * *

Doanh nghiệp, khởi nghiệp cần chuyển đổi số để thích ứng và tồn tại. Tuy nhiên, nếu đầu tư ồ ạt, không kiểm soát, thậm chí bỏ qua một vài giá trị truyền thống sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chuyển đổi số như con tàu cao tốc băng băng tiến lên phía trước thì doanh nghiệp, người khởi nghiệp phải cầm lái con tàu thật tốt và xác định đúng hướng để đi đến thành công. 

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của người khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO