Thế giới cần sự thay đổi. Sự thay đổi, theo Hawkins, trước tiên phải bắt đầu bằng việc thấu hiểu. Thấu hiểu mọi người bất kể chủng tộc, văn hóa, hay nguồn gốc xuất thân để tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau.
Cũng chính vì sự thấu hiểu, những mối quan hệ chân thành đã được tạo dựng. Trong khát vọng chung của TS. Hawkins và nhà giáo Lê Công Cơ, giáo dục Việt Nam cần mở cửa hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, ký ức chỉ nhắc ta về một quá khứ đã phong kín, con đường đi về tương lai mới là quan trọng, nhất là với những người còn trẻ của hai đất nước.
Đồng thanh tương ứng
Tháng 10/2022, GS-TS. Jack Hawkins - Chủ tịch Đại học Troy, Bang Alabama (Mỹ) trở lại Việt Nam. Mục đích chuyến đi này là để trao bằng cho sinh viên của Đại học Duy Tân, một trường đại học tư thục tại Việt Nam mà Troy University đã hợp tác từ nhiều năm trước.
Ngoài công việc, lần nào cũng thế, TS. Hawkins muốn thăm lại một con người thân thuộc có số phận, hành trình sống và khát vọng gần gũi với mình, đó là Anh hùng lao động - Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Duy Tân.
Sân bay Đà Nẵng chiều cuối thu. Xe của Đại học Duy Tân đón TS. Hawkins rời sân bay sau những bận rộn lễ tân và đi thẳng về trường. Nhà giáo Lê Công Cơ đứng ở cửa phòng làm việc, ông chờ đợi cuộc gặp gỡ này.
Sau cái bắt tay xã giao bên cạnh ly trà, ông Lê Công Cơ trầm ngâm, nói: "Năm 1965, những người lính thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, chiến tranh bắt đầu ác liệt, tôi không nghĩ có ngày chúng tôi có thể được chào đón các ông đến để cùng bàn những dự án hợp tác đào tạo giới trẻ Việt Nam”.
TS. Hawkins đáp lời: "Khi rời Việt Nam vào tháng 4/1968, trong tư cách một người lính Mỹ, tôi cũng không nghĩ có ngày quay trở lại đây, ngồi giữa khuôn viên một trường đại học đẹp đẽ như thế này để bàn công việc…”. Họ quay người nhìn nhau trong cái bắt tay thật sự nồng ấm và tin cậy.
Con đường đi đến giáo dục của hai con người này rất đặc biệt. Nếu tuổi thơ của nhà giáo Lê Công Cơ là những ngày mồ côi mẹ từ rất sớm, vất vả trên vùng quê nghèo Điện Bàn để làm thuê, chăn trâu kiếm sống rồi đi làm giao liên, theo bộ đội và tự học, thì trong ký ức TS. Hawkins là nỗi vất vả theo cha đi khai thác gỗ và những cánh rừng thâm u của thời niên thiếu.
Lớn lên vào những năm 1940, khi nước Mỹ vừa đi qua chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, như nhiều thiếu niên khác, hình mẫu người lính có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Jack Hawkins.
Giấc mơ rời bỏ những cánh rừng, lao vào kiếm cái bằng đại học để có thể trở thành một sĩ quan quân đội thôi thúc ông. Hawkins tham gia quân ngũ, trở thành quân nhân trong lực lượng thủy quân lục chiến từ tháng 1/1964.
Sau những tháng năm thao trường, ông có mặt tại Việt Nam vào tháng 4/1968 với tư cách Trung đội trưởng và được điều động đến căn cứ quân sự Chu Lai.
Công việc hàng ngày của Hawkins là chỉ huy tuần tra và dò mìn dọc theo các con đường phục vụ cho những cuộc hành quân của quân đội Mỹ.
Ông đối diện cái chết tại Duy Xuyên trong một trận phục kích của những người cầm súng phía bên kia và trở về Mỹ cuối năm 1969 trong hàng ngũ những thương binh chiến tranh Việt Nam.
Ngay trước đó vài năm, vào 1963, khi đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên - sinh viên học sinh giải phóng Trung Trung Bộ, Lê Công Cơ tốt nghiệp cử nhân Đại học Khoa học Huế và chính thức thoát ly hoạt động bất hợp pháp tại Khu V.
Tháng 3/1965 ông là Ủy viên Ủy ban Mặt trận giải phóng Khu Trung Trung Bộ, và sau đó là Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng giai đoạn 1964 - 1965, rồi trở thành Bí thư Ban Thanh vận và Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế, Thành ủy viên Thành ủy Huế những năm 1970 - 1972.
Khát vọng chung
Suốt những năm tháng tuổi thơ chăn trâu, liên lạc cho bộ đội, tham gia du kích ở quê, hay sau đó lang thang đánh giày, gánh nước, bán báo… tại Sài Gòn để hoạt động bí mật, Lê Công Cơ luôn ý thức về việc tự học. Ông bảo: "Nếu không học thì không thể làm cách mạng, không tự giải phóng được đời mình...".
Sau chiến tranh, ngày trở lại quê, đứng từ Điện Bàn nhìn lên cả vùng Duy Xuyên, Đại Lộc xơ xác vì bom đạn, ông tự nhủ đất này mà không có giáo dục, không bắt đầu từ giáo dục thì khó mà thay đổi được. Ý nghĩ làm giáo dục đã có từ thời thanh niên trong ông trở lại với những thôi thúc mạnh mẽ và ráo riết hơn bao giờ hết…
Trong lúc đó, rời Việt Nam trở về Mỹ, thực tế cuộc chiến đã cho Jack Hawkins một cái nhìn khác. Không như những lời hứa hẹn, tin tức về những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh rầm rộ trên khắp nước Mỹ khiến ông nhìn lại mọi việc.
Chiến tranh sau đó kéo dài nhiều năm, khiến 58.000 người Mỹ bị thiệt mạng, hàng trăm hàng ngàn người bị thương, trong đó có rất nhiều người phải sống cả đời với những thương tật chiến tranh.
Hawkins tâm sự: "Được sống sót trở về nhà sau chiến tranh là một điều may mắn. Cái giá của sự sống sót trở về sau cuộc chiến là quá đắt. Đó là những vết thương tinh thần ám ảnh cả cuộc đời…”.
Nhiều cựu binh Mỹ bước ra khỏi cuộc chiến với ám ảnh chiến tranh, Hawkins quyết định làm lại đời mình bằng cách quay trở lại trường đại học để lấy bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ.
Ông bắt đầu gắn chặt đời mình với giáo dục, và bằng những nỗ lực vượt bậc, năm 1989, Đại học Troy trang trọng tổ chức lễ tấn phong Hiệu trưởng cho người cựu binh đã trở về sau chiến tranh này…
Tương tự Hawkins, sau hòa bình, Lê Công Cơ quyết tâm thực hiện giấc mơ thời trẻ của mình. Làn gió đổi mới từ 1986 cho ông niềm tin về con đường mình lựa chọn. Nhờ GS. Trần Văn Thọ, lúc ấy đang giảng dạy tại Đại học Waseda - Nhật Bản viết đề án, ông tìm kiếm nguồn tài chính để xây trường.
Không có tiền, ông mang căn nhà mà gia đình đang ở tại số 04 Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Đà Nẵng) thế chấp ngân hàng. Rồi khăn gói quả mướp, ngồi ghế cứng đùm cơm nhà, đi lại Đà Nẵng - Hà Nội gần 40 chuyến tàu để xin phép cho việc ra đời Trường Đại học Duy Tân. Năm 1994, Trường Đại học Duy Tân ra đời. Đây là trường đại học tư thục đầu tiên của hệ thống giáo dục Việt Nam thời ấy, và ông vừa là nhà sáng lập vừa là hiệu trưởng…
Năm 2002, để khảo sát liên kết đào tạo đại học, TS. Hawkins quay trở lại Đà Nẵng và lái xe đến Nam Phước (Duy Xuyên) - nơi ông từng đóng quân. Chính trong khoảnh khắc ấy, Hawkins chợt nhận ra rằng, “đất nước Việt Nam khi tôi rời đi trước đây không phải là đất nước Việt Nam lúc tôi trở lại… Tôi không thấy ai nhắc lại nỗi hận thù nước Mỹ cả”.
Khi dự lễ trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp đại học vài năm sau đó, trước ống kính của một phóng viên truyền hình, để trả lời cho câu hỏi về cảm tưởng của ông khi quay lại Việt Nam sau 40 năm, Hawkins trả lời: "Bốn mươi năm trước chúng tôi đến đây mang theo những viên đạn. Và bây giờ, sau 40 năm, chúng tôi trở lại đây với những cuốn sách”.
Ý nghĩ tìm cách “quay lại Việt Nam với những cuốn sách” đã dẫn đường cho cuộc gặp gỡ giữa Jack Hawkins và Lê Công Cơ; đã dẫn đến việc Đại học Troy và Đại học Duy Tân trở thành đối tác của nhau từ năm 2014 đến nay.