Nhà nước và cử tri

Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng: Xây dựng phương án sáp nhập hai cơ quan dân cử

NGUYÊN ĐOAN 19/05/2025 08:05

Chuẩn bị cho việc thực hiện Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng theo chủ trương của Trung ương, Thường trực HĐND hai địa phương có các cuộc làm việc để bàn, cùng xây dựng chu đáo phương án sáp nhập hai cơ quan dân cử đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt khi “về lại chung nhà”.

anh sap xep HDND
Chiều ngày 15/5/2025, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng có cuộc làm việc, bàn phương án sắp xếp, sáp nhập 2 cơ quan. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Tính phương án sắp xếp nhân sự

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Thường trực HĐND hai tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập nguyên trạng tổ chức, bộ máy cơ quan HĐND TP.Đà Nẵng và cơ quan HĐND tỉnh Quảng Nam. Sau khi hợp nhất, HĐND TP.Đà Nẵng (mới) có 97 đại biểu HĐND (hợp nhất 47 đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam và 50 đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng).

Phương án đề xuất hợp nhất, thành lập 4 Ban của HĐND TP.Đà Nẵng, gồm: Ban Pháp chế; Ban Kinh tế - ngân sách; Ban Đô thị; Ban Văn hóa - xã hội. Với phương án này, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam hợp nhất cùng Ban Văn hóa - xã hội hai địa phương.

Ngoài ra, trên cơ sở giữ nguyên Ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, phương án đề xuất rà soát, nghiên cứu việc bổ sung đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (nếu có) vào vị trí Phó Trưởng ban Đô thị để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ. Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TP.Đà Nẵng với 4 phòng chuyên môn.

Về phương án sắp xếp nhân sự, đối với chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban, Chánh Văn phòng HĐND TP.Đà Nẵng, Thường trực HĐND hai địa phương đề xuất Ban Chỉ đạo Thành ủy xem xét, quyết định, sắp xếp theo thẩm quyền.

Đối với chức danh Phó Trưởng các Ban của HĐND, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, theo ông Nguyễn Xuân Tiến - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng: Trước mắt, phương án đề xuất cho phép nhập nguyên trạng và sắp xếp theo số lượng quy định trong lộ trình 5 năm.

Đồng thời đề xuất Ban chỉ đạo Thành ủy xem xét có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó các Ban HĐND và Văn phòng HĐND cấp tỉnh dôi dư sau sắp xếp giữ các chức danh chủ chốt tại phường, xã mới nhằm sử dụng hiệu quả cán bộ, công chức có trình độ, chuyên môn cao và tạo thuận lợi trong lộ trình sắp xếp tinh giảm số lượng cấp phó theo quy định chung.

“Căn cứ tiêu chuẩn, năng lực cán bộ và thực tiễn công tác, Thường trực HĐND, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét, quyết định lựa chọn Trưởng các phòng chuyên môn sau sắp xếp theo đúng hướng dẫn, quy định. Nhân sự được bố trí có thể ở trong hoặc ngoài phòng chuyên môn mới thành lập” - ông Tiến nói.

Tại cuộc làm việc vừa qua, Thường trực HĐND hai địa phương giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, các Ban cùng phối hợp để xây dựng hoàn thiện phương án sắp xếp nhân sự sau hợp nhất nhập.

Cụ thể là việc bố trí hợp lý đại biểu HĐND chuyên trách, không chuyên trách về các Ban nhằm phát huy tốt năng lực, sở trường của cán bộ; đảm bảo cho bộ máy cơ quan dân cử hoạt động thông suốt, hiệu quả sau hợp nhất tỉnh.

Không để “vênh” chính sách

Chuẩn bị cho việc “về lại chung một nhà”, Ban Chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng giao Đảng ủy các cơ quan Đảng TP.Đà Nẵng, Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh Quảng Nam chỉ đạo HĐND TP.Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với HĐND tỉnh Quảng Nam thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan do hai địa phương ban hành, hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, nhất là các văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương đối với hai địa phương.

Trên cơ sở đó, tham mưu việc tiếp tục triển khai thực hiện và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp, thống nhất, triển khai thực hiện ngay khi hoàn thành hợp nhất hai địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 393 ngày 5/4/2025.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Công Thanh cho biết, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh tự kiểm tra, rà soát 218 nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành trên các lĩnh vực. Qua rà soát, có 200 nghị quyết còn hiệu lực (đến hết năm 2025 và sau năm 2025), 10 nghị quyết đặc thù cần kịp thời xử lý, 8 nghị quyết hết hiệu lực đề nghị công bố.

Đối với 200 nghị quyết còn hiệu lực, theo ông Thanh, căn cứ các quy định hiện hành, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục tổ chức thực hiện các nghị quyết đến hết năm 2025.

Từ năm 2026 căn cứ quy định, hướng dẫn của Trung ương, khả năng cân đối nguồn lực xem xét, đề xuất HĐND đơn vị hành chính mới ban hành chính sách phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế sau khi sáp nhập, đảm bảo không làm gián đoạn, đứt gãy các cơ chế, chính sách, không tạo khoảng trống pháp lý, nhất là chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Tương tự, TP.Đà Nẵng có 288 nghị quyết do HĐND ban hành còn hiệu lực. Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng đã chủ động làm việc với Sở Tư pháp, trên cơ sở đó đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan rà soát, tham mưu tiếp tục thực hiện; hay kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để “vênh” chính sách trong cùng đối tượng thụ hưởng.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng giao các Ban cùng ngồi lại, rà soát những chính sách thuộc lĩnh vực phụ trách, làm rõ nội dung nào tỉnh có, thành phố chưa có; những nội dung hai bên có nhưng “vênh nhau” thì đề xuất hướng xử lý. Đối với những nội dung mới, có tính ưu việt cần phải đề xuất thì chủ động tham mưu; trên cơ sở đáp ứng sự chỉ đạo của Trung ương đối với phát triển chung của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Đặc biệt là đối với các vấn đề phát triển đô thị, rà soát tích hợp quy hoạch…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng: Xây dựng phương án sáp nhập hai cơ quan dân cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO