Gầy dựng thương hiệu nông sản

TỨ ĐIỀN 02/02/2020 06:15

(Xuân Canh Tý) - Qua 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP, kinh tế ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có thêm động lực để phát triển, nhất là đã tạo ra các mô hình kinh tế để nông dân liên kết sản xuất, phát triển bền vững. 

Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng du lịch sinh thái Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn) và mua bưởi trụ - sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2018. Ảnh: TỨ ĐIỀN
Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng du lịch sinh thái Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn) và mua bưởi trụ - sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2018. Ảnh: TỨ ĐIỀN

Cùng với việc thực hiện hiệu quả nhiều gói dịch vụ, cách đây hơn 3 năm, HTX Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) chọn thêm một lĩnh vực khác là sản xuất và chế biến dầu phụng nguyên chất mang thương hiệu “Đất Quảng”. Bà Trần Thị Phi Yến - Phó Giám đốc HTX cho biết, vụ đông xuân 2017 - 2018 HTX liên kết với 43 hộ dân ở thôn Phú Đông của xã Điện Quang tổ chức canh tác 10ha đậu phụng sạch; trong đó HTX hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho nông dân với mức 400 nghìn đồng/sào. “Bình quân mỗi vụ đạt năng suất 150 - 170kg khô/sào, tăng 10 - 20kg so với sản xuất đại trà ở địa phương. Sau khi thu hoạch, nông dân được HTX bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá 27 nghìn đồng/kg đậu phụng khô, cao hơn 1 - 2 nghìn đồng/kg so với những nơi khác.

Năm 2018, dầu phụng “Đất Quảng” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và thời gian qua HTX Nông nghiệp Điện Quang tiếp tục liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng đậu phụng sạch. Theo bà Yến, vụ đông xuân 2018 - 2019 đơn vị hợp tác với hơn 100 hộ dân trên địa bàn 2 xã Điện Quang và Điện Trung sản xuất gần 20ha đậu phụng. Đông xuân 2019 - 2020 này, HTX liên kết với người dân 4 xã gồm Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Thắng Trung canh tác gần 50ha đậu phụng để chế biến sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhìn nhận, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, 3 năm qua việc triển khai Chương trình OCOP cũng được các ngành, các cấp của tỉnh tập trung đẩy mạnh và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chương trình OCOP đã giúp các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, người dân khôi phục và phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Trong khi đó, ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) cho biết, cuối năm 2019 cả 2 sản phẩm nếp Hương Lân, dầu mè đen nguyên chất của đơn vị đều được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện và đang chờ UBND tỉnh đánh giá, phân hạng.

“Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chúng tôi thuê 5ha đất ruộng trên cánh đồng 202 của 74 hộ dân ở thôn Vân Tiên để cấy giống nếp Hương Lân trong vụ hè thu. Với số diện tích đó, mỗi vụ HTX thu về 17 tấn nếp vỏ khô và chế biến, đóng gói được 11 tấn sản phẩm cung ứng ra thị trường. Cạnh đó, HTX liên kết với nhiều hộ dân ở địa phương sản xuất 5ha mè đen sạch trên xứ Đồng Tràm và mỗi vụ thu mua ít nhất 3 tấn mè khô phục vụ doanh nghiệp chế biến” - ông Sanh chia sẻ.

Ngoài 2 đơn vị nêu trên, 3 năm qua cũng có nhiều HTX tham gia Chương trình OCOP liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Chẳng hạn, Công ty CP Nông nghiệp Điện Bàn hợp tác với rất nhiều hộ dân canh tác mỗi vụ hàng chục héc ta lúa hữu cơ để chế biến gạo sạch mang thương hiệu Phong Thử, HTX Nông Nghiệp Ái Nghĩa liên kết với người dân địa phương tạo dựng vùng nguyên liệu sạch để sản xuất bánh tráng Đại Lộc - sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2018...

Ông Nguyễn Phi Hồng - chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, năm 2018 UBND tỉnh công nhận 25 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 20 sản phẩm 3 sao. Năm 2019, toàn tỉnh có 107 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP nhưng chỉ có 93 sản phẩm gửi hồ sơ về tỉnh để đánh giá, phân hạng. Theo ông Hồng, Hội đồng thẩm định của tỉnh đang tập trung đánh giá và dự kiến có hơn 80% sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. “Trong 2 năm 2018 - 2019, ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã hỗ trợ hơn 25,3 tỷ đồng cho các chủ thể để thực hiện phát triển sản phẩm OCOP” - ông Hồng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gầy dựng thương hiệu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO