(QNO) - Thông tin việc trụ sở trung tâm hành chính mới đặt tại TP.Đà Nẵng sau khi sáp nhập 2 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã tạo nên “cơn sốt” đối với thị trường bất động sản, nhất là vùng ven thành phố và các khu vực lân cận Điện Bàn, Hội An…
Nhộn nhịp vùng giáp ranh
Tại thời điểm này dù Dự án khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng đại học (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Đà Nẵng) vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý nhưng hoạt động giao dịch đã bắt đầu nhộn nhịp. Một vài ki ốt môi giới đất đã được dựng lên, sẵn sàng kết nối, tư vấn khách hàng.
Theo thông tin từ các “cò đất”, thời điểm hiện tại mỗi lô đất nền nơi đây có giá dao động trên dưới 2,5 tỷ đồng (diện tích 100m2), dự báo sau 2 tháng nữa khi ra giấy chứng chứng quyền sử dụng đất, mức giá có thể cao hơn. Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng đại học cách trung tâm TP.Đà Nẵng tầm 20 phút đi ô tô.
Khảo sát một vòng các dự án bất động sản khu vực ven Đà Nẵng và các địa phương lân cận như Điện Bàn, Hội An… dễ dàng nhận thấy giá đất đã tăng 20-30% so với thời điểm tháng 1-2/2025. Bà N.T.M. - một “cò đất” tại Điện Bàn cho biết, từ tháng 3/2025 khi thông tin sáp nhập tỉnh Quảng Nam vào TP.Đà Nẵng lan truyền, khu vực giáp ranh TP.Đà Nẵng giá đất đã dần tăng.
Đơn cử, tại khu dân cư 1B phường Điện Ngọc (Điện Bàn) gần Trường FPT, mức giá rao bán khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2 ; thấp hơn chút, khu 1A gần Trường Đại học Phan Châu Trinh và Bệnh viện Phan Châu Trinh mức giá cũng 26 - 30 triệu đồng/m2; mức giá thấp nhất ở khu dân cư số 9, sau chợ Điện Ngọc cũng gần 18 triệu đồng/m2.
“Chỗ này giáp ranh Đà Nẵng và kết nối thuận tiện với Hội An, đặc biệt gần các trường học như FPT, Phan Châu Trinh, chợ đêm… nên mức giá tăng là hợp lý. Từ sau tết tới nay, giá đất đã tăng 200 - 400 triệu đồng/nền. Bữa này không mua vài bữa sẽ lên nữa” – bà M. khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc gia tăng mức giá và giao dịch bất động sản chủ yếu do đầu tư trữ hàng bởi nguồn cung không thiếu.
Ngày 17/4, DKRA Consulting (thuộc DKRA Group) công bố “Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận”. Theo đó, trong quý I/2025, thị trường bất động sản khu vực Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận sự cải thiện về nguồn cung ở một số phân khúc so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong quý I/2025 khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng có 16 dự án sơ cấp được giới thiệu ra thị trường (khoảng 978 nền), tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Sức cầu thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm khoảng 39% so với quý I/2024, chỉ tương đương 9% trên tỷ trọng cung sơ cấp. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng trung bình 7% so với thời điểm cuối năm 2024, trong khi thị trường giá thứ cấp đạt mức tăng phổ biến 6-9% so với quý IV/2024.
Quảng Nam chấn chỉnh quản lý đất đai trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Công văn yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, lợi dụng thông tin về sáp nhập tỉnh để trục lợi cá nhân.
Rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là tại các khu vực có biến động lớn, bất thường về giá đất...
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo các nội dung liên quan, góp phần ổn định tình hình thị trường đất đai và đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. (HỮU PHÚC).
Sức cầu phục hồi nhẹ?
Thị xã Điện Bàn hiện có khoảng 162 dự án bất động sản và khu dân cư, phần lớn chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng và các thủ tục pháp lý. Ông Phạm Đình Dũng – Đội trưởng Đội thuế khu vực Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên thông tin, từ đầu năm đến nay số hồ sơ liên quan đến giao dịch, chuyển nhượng bất động sản tăng đột biến. Riêng tại thị xã Điện Bàn, qua 3 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày đơn vị tiếp nhận xử lý khoảng 140 bộ hồ sơ, tăng hơn 100 bộ so với thời điểm cuối năm 2024.
Phần lớn hồ sơ đất đai đến từ các địa phương giáp ranh Đà Nẵng như Điện Ngọc, Điện Thắng Bắc, Điện Tiến, Điện Hòa. Đặc biệt, so với mức giá của UBND tỉnh thì giá giao dịch trên thị trường cao hơn rất nhiều.
DKRA Consulting dự báo, trong quý II/2025 sẽ có khoảng 80 - 120 sản phẩm mới được mở bán tại 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Dù vậy, nguồn cung mới đất nền vẫn trong tình trạng khan hiếm. “Sức cầu chung của thị trường có thể phục hồi nhẹ, tuy nhiên, không có nhiều đột biến trong ngắn hạn” – DKRA nhận định.
Đáng chú ý, thị trường thứ cấp duy trì đà phục hồi, nhóm các sản phẩm thuộc tổ hợp khu đô thị, hoàn thiện pháp lý, đa dạng tiện ích… vẫn đóng vai trò chủ lực thanh khoản của thị trường.
Cạnh đó, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới được dự báo sẽ tăng nhẹ với khoảng 800 – 1.500 căn, tập trung tại TP.Đà Nẵng. Phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới đưa ra thị trường, phân bổ tập trung khu vực các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Sức cầu thị trường chung tiếp tục duy trì đà hồi phục nhưng có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi động thái đàm phán thuế quan với Mỹ và sáp nhập các địa phương trong thời gian tới. Thanh khoản sơ cấp lẫn thứ cấp được kỳ vọng tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định nhưng khó có những đột biến trong ngắn hạn.
Theo dự báo từ DKRA Consulting, ngoài nguồn cung đất nền, phân khúc nhà phố/biệt thự dự báo tiếp tục khan hiếm. Sức cầu chung có thể tăng nhẹ so với quý trước nhưng khó có đột biến trong ngắn hạn, tập trung chủ yếu tại những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, có pháp lý hoàn thiện và tiến độ thi công đảm bảo.
Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ở mức ổn định, các chính sách ưu đãi, chiết khấu khi thanh toán nhanh vẫn tiếp tục được áp dụng trong quý II/2025. Thị trường thứ cấp có thể cải thiện tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm đã bàn giao nhà có pháp lý hoàn thiện và vị trí kết nối thuận lợi.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng do các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng. Thanh khoản thị trường dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và không có biến động nhiều. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, giãn tiến độ thanh toán,… vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng giữa bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.