Học tập và làm theo gương Bác, vị già làng... “trẻ” người Ca Dong - Phạm Xuân Nghĩa phát huy tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, chăm lo làm kinh tế, truyền lửa nhiệt huyết cùng dân làng thoát nghèo, giữ rừng và bảo tồn bản sắc văn hóa.
Vượt khó vì cộng đồng
Anh Phạm Xuân Nghĩa xuất thân trong một gia đình nghèo khó tại làng Tam Góc (thôn 2, xã vùng cao Trà Ka, Bắc Trà My). Không có điều kiện để được học cao hơn, hết trung học phổ thông, anh Nghĩa rời ghế nhà trường về quê gắn bó với bản làng, giúp cha mẹ nuôi các em ăn học và tham gia dân quân địa phương. Với sự năng động, trách nhiệm trong các phong trào ở cơ sở, anh Nghĩa vinh dự được kết nạp vào Đảng khi 19 tuổi.
Năm 2017, anh Nghĩa lập gia đình ra ở riêng và rơi vào hộ nghèo khi cuộc sống ban đầu gặp nhiều khó khăn. Là đảng viên, anh Nghĩa miệng nói, tay làm, quyết tâm vượt khó. Chỉ sau khoảng 5 năm nỗ lực làm ăn, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Hiện vợ chồng anh Nghĩa sở hữu mô hình kinh tế đan xen, kết hợp vườn, rừng, ao chuồng khá lý tưởng với hàng trăm con dê, bò, trâu, heo, gà các loại cùng hơn 3ha đất rừng trồng quế và keo nguyên liệu. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, vợ chồng anh Nghĩa có thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng.
Anh Nghĩa còn khéo tay, tự học hỏi và có được nghề thợ nề rất chắc tay. Hai năm gần đây, anh dìu dắt, dạy nghề cho hai thanh niên địa phương và lập nhóm chuyên nhận khoán trọn gói làm nhà tại Trà Ka…
Nhóm anh Nghĩa rất giữ chữ tín, lại am hiểu phong tục, tập quán bản địa nên được dân làng tin tưởng tìm đến đặt hàng làm nhà với nhu cầu khá nhiều. Tuy nhiên anh Nghĩa chỉ nhận công trình với số lượng chừng mực để đảm bảo thi công chất lượng, kịp tiến độ và giao nhà đúng hẹn.
Đảng viên trẻ Nguyễn Thanh Bích, ở làng Tam Góc chia sẻ, nhờ anh Nghĩa chỉ dạy nhiệt tình nên đã thành thạo nghề thợ xây, có công việc làm thường xuyên cùng anh Nghĩa và thu nhập ổn định 300 nghìn đồng/ngày.
Còn ông Hồ Văn Út, người dân làng Tam Góc cho hay, lúc ở nhà hay trên rẫy, ông cùng nhiều dân làng thường tìm đến trò chuyện, để được nghe anh Nghĩa chỉ hướng làm ăn, bày vẽ cách tính toán, chi tiêu sao cho hợp lý. Nhiều người gặp khó đột xuất, thiếu dụng cụ, cây giống… đều được anh Nghĩa nhiệt tình giúp đỡ.
“Dân làng ở đây còn khó khăn nên khi nhờ làm nhà, các phần việc về điện, ống nước… nhóm thợ anh Nghĩa đều vui vẻ làm giúp, không lấy tiền công. Ngoài ra, anh Nghĩa còn nuôi một con heo đực giống để hỗ trợ nhân giống miễn phí cho hộ chăn nuôi ở địa phương” - ông Út nói.
Truyền “lửa” nhiệt huyết
Theo bà Nguyễn Thị Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Trà Ka, anh Nghĩa là tấm gương sáng trong học tập làm theo gương Bác ở địa phương, nói đi đôi với làm. Ở thôn 2, anh Nghĩa dù chỉ mới 30 tuổi nhưng đã được dân làng yêu mến, xem như vị già làng.
Là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 (từ năm 2019), anh Nghĩa luôn mẫu mực, thể hiện được trách nhiệm cao trong công tác và truyền cảm hứng tích cực, xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ cho dân làng.
“Con trẻ trong thôn đều đến lớp đông đủ, không bỏ học giữa chừng. Phong trào xóa nhà tạm, thoát nghèo, làm đường giao thông nông thôn đều rất thuận lợi. Trong thôn, hầu như không có các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, an ninh trật tự, tảo hôn... Những kết quả đó đều có công sức đóng góp của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 Phạm Xuân Nghĩa” - bà Kiên chia sẻ.
Chia sẻ ở góc nhìn khác, ông Hồ Văn Trần - Chủ tịch UBND xã Trà Ka cho hay, anh Nghĩa am hiểu sâu sắc các nghi thức tâm linh truyền thống, làn điệu dân ca, múa hát, đánh trống chiêng của người Ca Dong.
Trong các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương và cấp huyện, anh Nghĩa luôn là hạt nhân, đầu tàu tập hợp lớp trẻ trong làng đến truyền dạy, tập luyện để vừa tranh tài thi thố với đơn vị bạn vừa khơi nguồn, giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.
Nói về những việc mình làm, anh Nghĩa thổ lộ, mình còn trẻ, khỏe, là đảng viên thì không thể chấp nhận để cuộc sống nghèo khó; phải biết suy nghĩ, tìm hướng vươn lên. Đảng viên phải làm gương để cho bà con thấy mà làm theo và cùng thoát nghèo.
“Dân mình, nhất là lớp trẻ phải giữ tiếng nói, bản sắc của mình và giữ rừng… Nếu phá rừng, học đòi theo những cái xấu, lai căng trên mạng xã hội… không có chọn lọc thì tuyệt đối không được. Bởi nếu như vậy thì tương lai sẽ khó, sẽ khổ, bản sắc phai nhòa hết. Để giữ được tất cả, là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, mình phải nêu gương” - anh Nghĩa bộc bạch.
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”