(QNO) - 15 năm ra đời, Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam (phường An Phú, Tam Kỳ), là nơi chắp cánh ước mơ, gieo mầm hy vọng cho hàng trăm trẻ em kém may mắn.
15 năm gieo mầm hy vọng
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, với người sáng lập - thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy, luôn khát khao mang tri thức cho những mảnh đời đồng cảnh ngộ. Từ căn phòng học ghép thuê mướn nay đây mai đó, với hai bàn tay trắng và trái tim yêu thương, Đặng Ngọc Duy cùng các cộng sự đã kiên trì từng ngày đem lại cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật.
Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, thầy Duy bồi hồi xúc động, bởi ngày ấy để có học sinh, thầy đã vất vả đi tìm học trò ở khắp nơi trong tỉnh. Trong khi đó, kinh phí cũng là điều khiến thầy suy nghĩ rất nhiều. Từ vài chục triệu đồng tích góp, đến sự ủng hộ của gia đình, Đặng Ngọc Duy phải tự xuất bản sách để có kinh phí hoạt động.
“Vô vàn khó khăn lúc mới hoạt động, nhưng may mắn, tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ, đồng hành cùng mái ấm ngày ấy đến hôm nay” - thầy Duy nhớ lại.
Từ một mái ấm gồm 21 học sinh khuyết tật vỏn vẹn với 1 phòng học và 1 phòng ngủ tại căn nhà cũ đi thuê, bao lần chuyển dời địa điểm. Năm 2016, được Nhà nước cho thuê đất, thầy Duy cùng các nhà hảo tâm đã xây dựng lại cơ sở với phòng ốc khang trang hơn, có phòng học văn hóa, phòng năng khiếu với đủ các nhạc cụ, phòng hướng nghiệp, phòng ăn, sân chơi rộng rãi.
Đến năm 2018, Mái ấm Hướng Dương được đổi tên thành Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam.
Từ đó đến nay, trung tâm đã chăm sóc hàng trăm trẻ em khuyết tật với nhiều dạng khác nhau như: khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, vận động, tự kỷ… Các em được học văn hóa từ lớp dự bị đến lớp 5 và các môn năng khiếu, hướng nghiệp, đồng thời với việc tiếp tục học hòa nhập các cấp học cao hơn.
Hiện tại, trung tâm đang nuôi dạy 60 trẻ em khuyết tật, hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp của cộng đồng và phụ huynh. Mong muốn lớn nhất của thầy Duy là mở rộng trung tâm, xây dựng thêm phòng học, phòng hướng nghiệp và thể thao để đáp ứng nhu cầu.
Những đóa hướng dương ngược nắng
Hành trình của Hướng Dương Việt được viết nên bởi những câu chuyện cảm động, những nỗ lực phi thường và tình yêu thương vô bờ bến. Câu chuyện của Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (SN 1997, huyện Núi Thành), sinh viên năm 3 ngành Sư phạm tiểu học Trường Đại học Quảng Nam là ví dụ.
Hơn 15 năm trước, Nhi từng nghỉ học vì mặc cảm với bệnh yếu chi bẩm sinh. Gần 10 năm rời xa trường lớp, Nhi thu mình lại cho đến khi gặp được thầy Duy và Hướng Dương Việt. Trung tâm đã động viên, hỗ trợ Nhi ôn luyện kiến thức và trở lại trường học. Với 25 điểm xét tuyển đại học, Nhi đã chứng minh nghị lực phi thường của mình.
“Trung tâm là ngôi nhà thứ hai, cho em thêm sức mạnh để bước đi trên hành trình đầy khó khăn. Em đang cố gắng trở thành một cô giáo để được quay trở về với ngôi nhà Hướng Dương Việt, giúp các em nhỏ viết lên ước mơ của mình. Không may mắn khi mang trong mình những khiếm khuyết, nhưng ý chí và nghị lực trong chúng em rất lớn, cùng với sự yêu thương, dìu dắt của thầy Duy, các cô giáo trung tâm và sự đồng hành của xã hội, chúng em đang mơ về những điều tốt đẹp” - Nhi chia sẻ.
Không chỉ các em nhỏ, Hướng Dương Việt còn là điểm tựa cho cả phụ huynh. Bà Mai Thị Hồng Phúc (xã Tam Thái, Phú Ninh), mẹ của em Trần Mai Kiên gắn bó với trung tâm gần 2 năm. Dù nhà xa, bà vẫn kiên trì đưa đón con mỗi ngày, bởi bà tin tưởng vào sự thay đổi tích cực của con tại đây.
"Từ nhỏ cháu đã chậm nói, chậm tiếp thu... Đến Trung tâm Hướng Dương Việt, tôi nhận ra con càng ngày càng thích tới trường, hòa nhập với bạn bè hơn, nói nhiều hơn, học tốt hơn, tham gia các hoạt động, tôi mừng lắm!" - bà Phúc tâm sự.
Một câu chuyện đặc biệt khác là của chị Trần Thị Thúy Hằng (huyện Núi Thành), một người mẹ có con khuyết tật đặc biệt. Từ một phụ huynh đưa con đến trung tâm, chị Hằng đã trở thành một giáo viên tận tâm.
"Dạy các con, tuy gặp rất nhiều khó khăn... Nhưng khi phát hiện các con có một sự thay đổi nào đó, dù nhỏ thôi, trong lòng dâng lên niềm vui khó tả. Chỉ mong các con tiến bộ, sau khi rời trung tâm có thể nói được, đọc được, tự chăm sóc cơ bản cho bản thân mình" - chị Hằng chia sẻ.
[VIDEO] - Chia sẻ của cô giáo Trần Thị Thúy Hằng:
Chị Hằng cho biết, để dạy được trẻ khuyết tật, bản thân chị và các cô giáo ở đây đều phải học thêm khóa đào tạo đặc biệt về chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ. Các cô hiểu rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, cần được quan tâm và dạy dỗ theo phương pháp phù hợp.
Và "quả ngọt" đến với trung tâm khi nhiều em được chăm sóc tại đây giờ đã trưởng thành như Nguyễn Kỳ Nam - tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Quảng Nam, giờ đang đi dạy học. Một số em khiếm thính như Ung Tấn Quốc, Trương Tấn Cường hiện nay làm nghề cơ khí, sửa máy may, hay Trần Văn Nghị sửa xe máy, vừa làm nhân viên đưa đón các em đi học hòa nhập. Một số bạn khiếm thị khác thì làm nghề massage…
[VIDEO] - Thầy giáo Đặng Ngọc Duy chia sẻ về hành trình 15 năm phát triển Trung tâm Hướng Dương Việt Quảng Nam:
Tôi nghĩ, những người khiếm thị không nhìn thấy cuộc đời bằng mắt, nhưng họ cảm nhận cuộc sống bằng trái tim yêu thương"
Thầy giáo Đặng Ngọc Duy - Trung tâm Hướng Dương Việt Quảng Nam
Nhìn lại chặng đường 15 năm, thầy Duy xúc động: “Ước mơ ngày trẻ của tôi đã thành hiện thực, những mảnh đời cùng cảnh ngộ đã có một nơi được chăm sóc, yêu thương. Giờ đây, tiếng cười nói của các con cùng sự tiến bộ từng ngày là niềm hạnh phúc để chúng tôi tiếp tục cống hiến”.
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”