Giá lúa gạo hôm nay 10/4/2025: Giá lúa gạo trong nước ghi nhận xu hướng tăng nhẹ từ 50 đến 200 đồng/kg ở một số loại.
Hoạt động mua bán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã trở nên sôi động hơn, lượng hàng về ổn định và giao dịch diễn ra đều đặn tại nhiều địa phương.
Tại các điểm thu mua như An Giang và Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng hàng được đánh giá khá, các kho hỏi mua nhiều mặt hàng gạo thơm và giá vẫn ổn định. Riêng tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng ít hơn và tốc độ mua chậm hơn. Các chợ như Sa Đéc ghi nhận lượng hàng về đều, giao dịch duy trì ổn định.
Giá gạo nguyên liệu OM 5451 đã tăng lên mức 9.600 – 9.800 đồng/kg. Các loại như OM 380, IR 504 và OM 18 cũng giữ giá cao hoặc dao động nhẹ trong khoảng từ 7.800 đến 9.500 đồng/kg. Gạo thành phẩm IR 504 vẫn duy trì quanh mức 7.600 – 7.800 đồng/kg, trong khi Nàng Hoa 9 giữ ở mức 6.550 – 6.750 đồng/kg.
Tại các chợ bán lẻ ở An Giang, giá gạo phổ biến từ 15.000 đến 22.000 đồng/kg. Một số loại gạo cao cấp như Nàng Nhen có giá cao nhất, lên đến 28.000 đồng/kg. Gạo thơm Nhật, Jasmine và Hương Lài cũng duy trì giá từ 18.000 đến 22.000 đồng/kg.
Thị trường nếp hôm nay đi ngang, không ghi nhận biến động lớn. Nếp IR 4625 tươi có giá từ 7.600 – 7.800 đồng/kg, trong khi loại khô ba tháng dao động quanh mức 9.600 – 9.700 đồng/kg.
Giá phụ phẩm vẫn ổn định. Tấm 3 – 4 tăng nhẹ lên 6.700 – 6.800 đồng/kg. Cám cũng điều chỉnh tăng lên 5.800 đồng/kg. Trấu duy trì mức giá 800 – 900 đồng/kg tùy nơi.
Về giá lúa, các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng và Long An ghi nhận nhiều giao dịch tích cực. Nông dân chào giá cao, nhất là với các giống lúa thơm. Riêng tại Cần Thơ và An Giang, dù nguồn hàng còn, nhưng giá chào cao khiến tốc độ giao dịch chậm lại.
Tại An Giang, giá lúa OM 5451 hôm nay tăng 200 đồng/kg, lên mức 6.200 – 6.400 đồng/kg. Các loại khác như Đài Thơm 8, OM 18 và IR 50404 vẫn giữ ổn định từ 5.800 – 7.000 đồng/kg tùy loại.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam tiếp tục giữ vị trí cao nhất trong nhóm các nước cung ứng lớn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo 5% tấm hiện đang ở mức 399 USD/tấn, trong khi loại 25% tấm là 370 USD/tấn.
So với các đối thủ, gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm còn 394 USD/tấn, thấp hơn 2 USD so với trước đó. Gạo cùng loại của Ấn Độ giảm 4 USD, còn 376 USD/tấn. Riêng Pakistan có mức tăng nhẹ, lên 391 USD/tấn.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo sang Mỹ đang đối mặt với thách thức lớn sau khi chính quyền Mỹ công bố mức thuế mới từ ngày 2/4. Theo đó, gạo nhập khẩu từ Thái Lan sẽ bị áp thêm 36% thuế từ ngày 9/4. Đây là đòn giáng mạnh vào các quốc gia có thị phần lớn tại thị trường Mỹ, bao gồm cả Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất tại Tây Bán Cầu. Từ giữa thập niên 1980, Thái Lan luôn là nhà cung cấp chủ lực, đặc biệt là các giống gạo thơm. Năm 2024, nước này đã xuất khẩu gần 850.000 tấn gạo sang Mỹ, gần gấp ba lần so với Ấn Độ – nhà cung cấp đứng thứ hai. Việt Nam đứng thứ ba, tiếp theo là Pakistan.
Trong thông báo về chính sách thuế quan mới, Nhà Trắng đã ấn định mức thuế 26% với Ấn Độ, 46% với Việt Nam và 29% đối với Pakistan. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và khối lượng xuất khẩu của các quốc gia này trong thời gian tới.