Chuyện đầu tuần

Gia tài nhìn lại

PHAN HOÀNG 24/06/2024 07:18

Bà ngoại của M. bán cháo ở chợ. Bà có 3 người con đã lớn và ở riêng. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ ở con hẻm chật chội.

Cứ đến Chủ nhật, bà ngoại của M. lại chuẩn bị thức ăn con thích, rồi chọn cái áo đẹp nhất, ra ngồi trước cửa ngóng con cháu. Hôm nào con về, nhà đầy tiếng cười dù cãi nhau chí chóe. Nhưng nhiều hôm chẳng có ai về, bà cứ ngóng về phía hẻm dài hun hút.

Khi M. hỏi: “Bà ở một mình chắc cô đơn lắm?”. Bà nói: “Cô đơn thì bà không biết, bà ở vậy quen rồi. Bà chỉ sợ nhất và buồn nhất là sau ngày tết, vì lúc đó thức ăn ê hề mà không có ai ăn cùng”.

Bạn có thấy quen không? Bạn có từng ngồi ngóng con hay từng để cha mẹ ngóng vì muôn vạn lý do?

Đoạn tôi vừa kể, là những phân cảnh trong phim Thái Lan ăn khách nhất năm 2024 tại thị trường Việt Nam: Gia tài của ngoại. Phim có doanh thu cao kỷ lục và vẫn đang chiếu ở các rạp nên những thông số về phim có thể cập nhật ở nhiều nguồn.

Kịch bản phim khá đơn giản nhưng lại có rất nhiều tình tiết khiến khán giả rơi nước mắt vì chạm vào tình cảm gia đình từ những điều đơn giản nhất, diễn đạt tài tình tâm lý con người.

Phim xoay quanh câu chuyện về chàng trai M. ham chơi game, lười biếng và luôn cãi nhau với mẹ. Kịch tính phim mở ra khi mẹ cho biết bà ngoại ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn sống được vài tháng.

Cuộc sống của M. bắt đầu thay đổi khi cậu đến ở cùng ngoại với chút toan tính ban đầu mong thừa kế ngôi nhà sau khi bà chết. Thế nhưng, thời gian ngắn ngủi ở cạnh bà đã giúp M. hiểu ra giá trị của cuộc sống: thứ quan trọng nhất của gia đình, không phải tiền bạc mà là tình yêu thương, lòng bao dung và sự hy sinh.

M. học được từ ngoại thái độ sống tích cực và trân trọng những người thân bên cạnh, từng phút từng giây. Bà trở thành sợi dây kết nối để các con yêu thương nhau.

Phim có mở và kết đều là cảnh gia đình cùng tảo mộ thanh minh khi bà ngoại M. còn sống và lúc bà đã qua đời. Cũng như người Thái, giỗ chạp rất quan trọng với người Việt, vì đây là cơ hội để gia đình gắn kết tình thâm.

Tưởng nhớ ngày mất của người thân trong gia đình là dịp để con cháu bày tỏ sự tri ân của người đang sống với người đã khuất. Đạo hiếu đó được truyền thừa và gìn giữ để người biết tổ tông. Rất nhiều gia đình kết nối được các thế hệ nhờ giỗ chạp.

Đáng tiếc cũng có nhiều gia đình mâu thuẫn, thậm chí anh em họ hàng không nhìn mặt nhau vì cúng giỗ ông bà. Nên chẳng phải vô cớ mà người xưa đúc kết căn dặn “trách người bỏ giỗ, không trách người cỗ mọn”, cái gì cũng cốt ở tấm lòng.

Điều tồi tệ nhất, không phải mất đi của cải, cơ hội mà là mất đi gia đình. Hình như chỉ có những ưu phiền từ gia đình mới dễ nhấn chìm con người trong tuyệt vọng. Nếu những năm tháng vui vẻ nhất của đời người là ở gia đình, thì bất cứ ai cũng đủ sức vượt qua khó khăn trong cõi người.

Những ngày qua, rộ lên một số clip các khóa tu mùa hè ở chùa Ba Vàng đề cập nghiệp báo. Nội dung clip hoang đường và gieo rắc mê tín dị đoan, không đúng với giáo lý nhà Phật.

Những khóa tu được quảng cáo là giúp trẻ “Trải nghiệm, học hỏi bài học cuộc sống để tu dưỡng tâm hồn, yêu thương gia đình” bị biến tướng rất đáng lo ngại.

Gieo mầm thiện, tình yêu gia đình và lòng thương tha nhân, vốn phải khởi đi từ gia đình chứ không phải bên ngoài. Một bữa cơm, một vòng tay ấm.

Quan trọng nhất phải là sự tử tế từ gia đình để mỗi người trưởng thành. Để giữa xô bồ mưu sinh, những đứa con còn giật mình, hôm nay, mình đã gọi điện về nhà để hỏi “ba/mẹ ăn cơm chưa?”.

Về nhà thôi. Để nhìn lại gia tài của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia tài nhìn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO