Gia tăng năng lực thích ứng cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An

QUỐC TUẤN 30/09/2023 16:09

(QNO) - Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án BR) đang đi vào chặng cuối đã góp phần đáng kể vào sự vận hành bền vững của khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Dự án
Dự án đã giúp hình thành 1 vườn ươm cây bản địa với diện tích 300m² ở Cù Lao Chàm. Ảnh: T.T

Kết quả trước mắt

Dự án BR triển khai trong giai đoạn 2019 - 2024 với 3 hợp phần chính: Xây dựng khung pháp lý và thể chế để tránh, giảm thiểu và bù đắp các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, giảm sức ép lên các hệ sinh thái tại các khu dự trữ sinh quyển hiện nay; lập kế hoạch và quản lý tích hợp với sự tham gia của các bên liên quan tại 3 khu DTSQ để lồng ghép việc quản lý khu bảo tồn, sử dụng nguồn lực tự nhiên một cách bền vững, phát triển thân thiện với đa dạng sinh học; quản lý tri thức và hỗ trợ giám sát đánh giá, góp phần mang lại lợi ích cân bằng và tăng cường nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc hình thành vườm ươm cây bản địa góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học cho khu sinh quyển. Ảnh: Q.T
Việc hình thành vườm ươm cây bản địa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho khu sinh quyển. Ảnh: Q.T 

Với sự hỗ trợ của dự án, khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An đã thiết lập 1 vườn ươm thực vật 300m² tại Bãi Hương (xã Tân Hiệp, TP.Hội An), thường xuyên mở các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và các bên liên quan về kỹ năng nhận biết một số loài thực vật, quy trình thu hái gieo ươm, đưa vào vận hành thử nghiệm tour du lịch xanh Cù Lao Chàm vào tháng 8/2023…

Dự án đã tiếp tục góp phần bồi đắp ý thức bảo vệ hệ sinh thái khu DTSQ của cư dân địa phương khi qua khảo sát cho thấy có đến 82% cư dân sẽ báo cho chính quyền và cơ quan chức năng khi phát hiện các vụ việc vi phạm tài nguyên trong phạm vi khu DTSQ, ngoài ra cũng có 12% sẵn sàng tuyên truyền, khuyên giải các hành vi sai trái, bất hợp pháp gây tổn hại đến tài nguyên, đa dạng sinh học ở Cù Lao Chàm - Hội An.

dự án
Dự án cũng chú trọng nâng cao sinh kế cho cộng đồng vùng đệm thông qua việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch học tập. Ảnh: Q.T 

Dự án cũng chú trọng đến việc nâng cao sinh kế bền vững cho cộng đồng vùng đệm khu sinh quyển nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái.

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Phó Trưởng ban Thường trực Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An thông tin, trong khuôn khổ dự án từ tháng 3/2023 đã triển khai hỗ trợ sinh kế cộng đồng và vận hành quỹ tài chính quay vòng ở 2 xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim. Hoạt động xây dựng và phát triển mô hình sinh kế bền vững dựa vào du lịch sinh thái, du lịch học tập cộng đồng dự kiến tạo thu nhập trực tiếp cho khoảng 320 hộ dân.

Dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam được tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu GEF thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP với tổng số tiền tài trợ 6,6 triệu USD (chưa bao gồm kinh phí đối ứng) được thực hiện tại 3 khu dự trữ sinh quyển thế giới: Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An, Đồng Nai.

Nền tảng dài lâu

Ngoài những kết quả ban đầu, mục tiêu lớn hơn mà dự án hướng đến chính là việc xây dựng nền tảng bền vững về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An trong dài hạn.

Dự án
Dự án BR cũng hỗ trợ đắc lực cho khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An trong việc hình thành kế hoạch quản lý tổng hợp khu DTSQ trong dài hạn. Ảnh: Q.T

Từ nguồn lực của dự án, các bên liên quan đã đánh giá và lập bản đồ tài nguyên sinh học, kinh tế xã hội; xác định các khu vực có giá trị bảo tồn cao, hành lang đa dạng sinh học cũng như khu vực có nguy cơ suy thoái. Từ đó, hình thành kế hoạch quản lý tổng hợp khu DTSQ trong 5 năm.

Giám
Nâng cao năng lực quan trắc rạn san hô. Ảnh: T.T

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19 cũng như biến đổi khí hậu, sự tiếp sức của dự án BR đã giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý của khu bảo tồn thông qua việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp can thiệp quản lý khu bảo tồn, quan trắc đa dạng sinh học và giám sát các loài quan trọng tại khu sinh quyển…

b
Dự án cũng hỗ trợ hoạt động quan trắc cua đá Cù Lao Chàm. Ảnh: T.T

Bà Vũ Thục Hiền - Thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển cho rằng, khá tình cờ khi dự án bắt đầu vào năm 2019, tức là tròn 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là khu DTSQ thế giới và kết thúc dự án lúc khu sinh quyển này tròn 15 năm được công nhận.

Tham vấn cộng đồng và các bên liên quan để xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm. Ảnh: T.T
Tham vấn cộng đồng và các bên liên quan để xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm. Ảnh: T.T 

"Hiện Hội đồng điều phối liên chính phủ Chương trình con người và sinh quyển thế giới đã đề nghị các khu sinh quyển thế giới định kỳ đánh giá 5 năm một lần, do đó các hỗ trợ từ dự án BR rất có ý nghĩa với Cù Lao Chàm - Hội An, các hiệu quả mang lại từ dự án là điểm nhấn nổi bật để đề cập với quốc tế trong các báo cáo định kỳ dài hạn" - bà Hiền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia tăng năng lực thích ứng cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO