(VHQN) - Trong một chuyến tiền trạm để trao tặng quà cho bà con đồng bào Ca Dong, tôi vượt hết đỉnh đèo này đến đỉnh đèo khác. Cuối cùng, tôi lọt vào một thung lũng nhỏ sâu trên đỉnh núi cao ở Trà Vân (Nam Trà My).
Một thanh niên địa phương rắn rỏi, nhanh như sóc, dẫn chúng tôi luồn sâu vào làng. Ở đây, dân cư thưa thớt, đường rất xấu. Chúng tôi phải bỏ lại xe máy để lội bộ. “Kệ, cứ dẫn bọn tôi đến nơi khó khăn nhất xem thế nào”.
Cảnh sắc trong sương chiều
Chúng tôi gian nan lội sình, leo đá, có đoạn phải đu dây qua suối. Đến những nơi sâu trong núi mới thấy đời sống bà con ở đây khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Việc trồng bắp, đậu không mấy hiệu quả, đa số người dân trông cậy hết vào cây quế.
Nhưng quế lớn rất chậm, mà lại cho thu nhập không đáng kể. Dù quế ở đây được trồng khắp nơi nhưng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán kinh tế cho người dân.
Chỉ là người đi làm từ thiện từ phương xa tới, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến những phận người neo mình dưới ngọn núi ở đây.
Tôi đặt ra câu hỏi: niềm vui, cái đẹp mà họ được thụ hưởng là gì, khi quẩn quanh cả đời trong những nóc (khu dân cư) chen bên hông những ngọn núi sừng sững?
Chúng tôi được người địa phương bố trí nghỉ lại trong một gia đình ở bản. Ngôi nhà này có điều kiện sinh hoạt khá nhất. Món quà tinh thần lớn được mở ra khi tôi may mắn được nghỉ lại ở đây: ngôi nhà gỗ đơn sơ nằm duyên dáng bên sườn núi cao.
Bạn hãy hình dung, mặt trời vừa lặn, những giọt nắng cuối cùng vừa tắt, tôi bước đến sân nhà. Ở đây, quế được phơi phủ kín sân. Tôi thả người xuống chiếc ghế ngoài hiên, lim dim mắt hít hà hương nồng dịu tỏa ra từ vỏ quế khô, trong cái lạnh ngọt lan chậm vào làn áo mỏng.
Người dân ở đây, hầu như nhà nào cũng trồng quế. Họ thu hoạch vỏ quế, đốn từng đoạn nhỏ và phơi ngay ngắn trước sân nhà. Đang say sưa ngắm từng khúc quế, tôi giật mình thú vị khi sương rơi lộp độp xuống mái hiên.
Nghe rõ được tiếng sương rơi, có lẽ chỉ xảy ra vào buổi chiều muộn trên đỉnh núi cao thế này thôi. Và hình ảnh tôi từng tưởng tượng ra nhiều lần trong đầu, nay đã xảy ra trước mắt: trong làn sương chiều huyễn hoặc, vợ chồng tiều phu cõng bó củi khô trên lưng, khoan thai đi xuống núi.
Họ vừa đi vừa nói thật chậm câu chuyện gì đó, mà tôi đoán là chuyện rất tình cảm. Rồi sương mờ nhân ảnh. Mọi tiết họa trước mắt lui vào bóng đêm, chỉ còn hương quế nồng nàn, trời càng lạnh càng cảm nhận rõ.
Giấc ngủ thơm
Chúng tôi dùng một bữa tối thật ấm áp với gia chủ. Dù trước đó, họ không biết gì về chúng tôi. Khi ấy, tôi rất cảm kích và nghĩ, có lẽ, điều thật đẹp luôn sẵn có ở mỗi người nơi đây là sự hiếu khách.
Khó tìm được điều gì đẹp hơn giữa những người dưng với nhau. Khi sự hiếu khách diễn ra ở một ngôi nhà xa tít tắp trên núi thế này, càng khiến lữ khách cảm động.
Gia chủ nhường cho tôi một chiếc giường tươm tất ở phòng khách. Khi yên vị trên giường, tôi lặng yên lắng nghe mọi thứ, kiểu như sợ bỏ lỡ mất những khoảnh khắc đáng nhớ như lúc này. Trong đời dễ gì được gặp lại lần hai.
Cái hoang lạnh miền núi khiến tôi hơi cóng bàn chân một chút. Nhưng có cái gì đó rất yên ấm, dễ chịu lan dần, càng lúc càng rõ. Sao trong giường lại có nồng thơm mùi quế?
Trong ánh sáng lập lòe của cây đèn dầu, tôi nhìn quanh giường, không thấy quế đâu cả. Mà sao mùi thơm của “cao sơn ngọc quế” rất rõ ở đây? Hít hà thêm nhiều hơi, tôi phát hiện hương quế ngay dưới lưng mình. Thò đầu xuống, thật sửng sốt, quế khô được chất chật cứng gầm giường. Hóa ra, tôi may mắn được nằm ngủ trên đống quế tỏa hương.
-Lạ giường khó ngủ à?
Gia chủ ngoài sân đi vào, thấy tôi lục đục, liền đánh tiếng. Tôi ngồi dậy, vặn to bấc đèn lên và hàn huyên với chủ nhà.
Ngồi trên chiếc giường thơm lựng quế, tôi nghe gia chủ kể về những cây quế cổ thụ ở Trà Vân. Nơi đây hiện còn khoảng 100 cây quế cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm. Người đồng bào Ca Dong và kể cả người Kinh ở đây rất kính trọng những cây này, họ xem là thần rừng che chở cho làng.
“Tháng 4 hàng năm là cao điểm thu hoạch quế. Thập niên 80 thế kỷ trước, 1 ký quế cổ thụ có giá tương đương 1 chỉ vàng. Nhưng bây giờ, đa số là quế giống mới, giá trị thấp, khiến những người trồng quế lâm vào đời sống bấp bênh”- giọng lão nông trầm buồn kể.
Câu chuyện nhọc nhằn mà đẹp đẽ của quế đưa tôi vào giấc ngủ thơm vô tiền khoáng hậu.
Sáng hôm sau, trước khi từ biệt chủ nhà để xuống núi, tôi chậm rãi nhìn lại chiếc giường tre với chật cứng quế bên dưới. Tôi ghi nhớ lại cảm giác mình đã ngủ một giấc ướp hương ở đây như thế nào.
Tôi sẽ nhớ mãi mùi thơm trong cái lạnh ngọt trên vùng núi Nam Trà My này. Và biết, người dân trên đỉnh núi ấy không hoàn toàn thiệt thòi. Họ có những điều mà dưới đồng bằng không bao giờ có.