(QNO) - Sáng nay 14.4, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa XXII), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo, thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững được các cấp ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả bằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững.
Qua thực hiện các chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,9% năm 2016 xuống còn 5,23% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 1,53%; nhiều xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và ra khỏi danh sách xã nghèo. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo được tăng cường. Các chính sách giảm nghèo được các ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.
Các huyện nghèo, xã nghèo và thôn đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ các điều kiện để cải thiện tiêu chí thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập; được hỗ trợ cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cuộc sống theo hướng toàn diện, tiếp cận đa chiều. Hộ thoát nghèo bền vững tiếp tục được động viên, tiếp sức, hỗ trợ về y tế, giáo dục, vay vốn, lãi suất...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhất là khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở một số nơi, nhất là ở các xã miền núi cao về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt.
Một số cơ chế, chính sách đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa được xây dựng, ban hành để đáp ứng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Công tác tổ chức điều hành, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn bất cập; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp không ổn định và chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác điều tra, xác định hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn sai sót ở một số địa phương.
Một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo có mức đầu tư thấp, còn dàn trải, chồng chéo, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân; lồng ghép hoạt động giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình, dự án khác thiếu gắn kết, đồng bộ. Vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo.
Nguyên nhân của những hạn chế trên, ngoài tính khách quan như điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực miền núi; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; số lượng hộ nghèo, cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo nhiều... thì còn nhiều nguyên nhân khác. Chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đầu tư đúng mức cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là ở các xã miền núi cao. Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chưa được đầu tư đúng mức.
Một bộ phận cán bộ ở cơ sở, người trực tiếp làm công tác giảm nghèo năng lực hạn chế. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo mang tính bao cấp, thiếu điều kiện ràng buộc, chậm được tích hợp, hướng dẫn. Nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa thu hút được doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn nông thôn miền núi để giải quyết việc làm, tiêu thụ và chế biến sản phẩm, tạo thu nhập cho người dân.
Dựa trên kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và thực trạng hiện nay, UBND tỉnh đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Những mục tiêu đề ra bao gồm: phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%), khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%. Các phường, thị trấn ở các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm 3 - 4%/năm; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm hơn 3%.
Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước. Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo tự giác đăng ký thoát nghèo được hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững; đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.