Nông nghiệp - Nông thôn

Giảm nghèo ở Đông Giang: Khai phá tiềm năng nông - lâm nghiệp

CÔNG TÚ 22/12/2024 19:34

(QNO) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh nông - lâm nghiệp, người dân huyện Đông Giang đầu tư phát triển sản xuất, tạo nên những sản phẩm hàng hóa để tăng thu nhập, từng bước thoát khỏi cái nghèo bấu víu.

ẢNH 1
Mô hình kinh tế vườn, kết hợp nuôi cá của một nông dân ở xã Ba mang lại hiệu quả. Ảnh: C.T

“Điểm tựa” chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, nhiều diện tích trồng keo ở các xã Ba, xã Tư đã được người dân chuyển sang trồng chè dây Ra zéh, một sản vật đặc trưng của núi rừng Đông Giang có vị ngọt, đắng, tính mát có thể chữa các bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, mất ngủ… Một người dân cho biết, mỗi héc ta chè dây cho thu hoạch giá cao gấp 30 lần so với cây keo.

Lão nông Phạm Quốc Phòng trú thôn Pa nan (xã Tư) cho biết, gia đình chuyển 1,5ha trồng keo sang trồng chè dây. Sau khi thu hái, một héc ta chè sấy khô còn khoảng 6 tấn. Với giá bán sỉ 100 nghìn đồng/kg chè khô, ông bán được 600 triệu đồng/ha/năm.

Chính quyền xã Tư cho hay, trên địa bàn hiện có 19,5ha trồng chè dây. Chè dây trồng khoảng 7 tháng là có thể thu hoạch. Nguồn thu nhập từ loại cây bản địa này đã góp phần cải thiện đời sống người dân. Theo thống kê, tổng diện tích chè dây tại xã Tư và vùng lân cận khoảng 35ha. Chè dây Ra zéh trở thành sản phẩm hàng hóa, giá trị thương hiệu tăng lên đáng kể khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

0.jpg
Làm cỏ, chăm sóc cây chè dây. Ảnh: C.T

Tại xã Mà Cooih, ớt A riêu - sản vật bản địa đặc trưng được trồng ngày càng nhiều, thay thế cho những loại cây trồng kém hiệu quả. Năng suất của loại ớt được thị trường ưa chuộng này đạt gần 1 tấn/ha, lợi nhuận hơn 200 triệu/ha/năm. Ớt A riêu có thể chế biến thành ớt trái muối, muối ớt, tương ớt và được công nhận OCOP đạt 3 sao.

Tại thị trấn Prao và một số xã trên địa bàn Đông Giang, dưới tán rừng, người dân địa phương vừa bảo vệ nhưng cũng biết khai phá giá trị của “đất mẹ” với hàng chục héc ta sâm ba kích tím được trồng. Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Đông Giang cho hay, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh, năm nay huyện đã hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng dược liệu đạt 40,9ha (sâm ba kích, sâm bảy lá một hoa, chè dây Ra zéh).

Phát huy chuỗi liên kết

ẢNH 3
Một đồi trồng quế đang phát triển tốt tại thị trấn Prao. Ảnh: C.T

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, từ khi có các chương trình MTQG, huyện càng hạ quyết tâm phải chọn cách đầu tư, hỗ trợ nhằm giúp người dân hấp thụ mạnh nguồn vốn, đặt nền móng thoát nghèo. Đông Giang đã cử các đoàn công tác đi nhiều địa phương trong tỉnh, lên Tây Nguyên, ra Hà Tĩnh và Yên Bái nhằm tìm hiểu, tham khảo thực tế mô hình điển hình, có điều kiện về tự nhiên, thổ nhưỡng và xuất phát điểm từng giống như Đông Giang. Từ đây, huyện đã quyết tâm kêu gọi và được nhà đầu tư vào khảo sát, tìm hiểu để liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, điển hình như nuôi hươu sao, trồng quế...

Lãnh đạo huyện chia sẻ, loại quế Yên Bái có chu kỳ sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian khai thác. Chu kỳ trồng quế đến khi thu hoạch dài gấp đôi so với trồng keo, nhưng giá trị mang lại gấp hơn 10 lần cây keo. Năm 2023, toàn huyện đã chuyển đổi được 811ha diện tích trồng keo sang trồng quế.

Điều đáng phấn khởi là doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trồng quế không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm mà còn hướng đến chế biến sâu thành sản phẩm OCOP. Nuôi hươu sao lấy nhung rất phù hợp để hình thành, nhân rộng. Thực tế chứng minh, 1 con hươu sao đực cho nhung 2 lần/năm; mỗi lần 1kg; giá bán 1kg nhung ra thị trường khoảng 14 triệu đồng.

ẢNH 4
Một hộ liên kết nuôi hươu sao lấy nhung tại xã Zà Hung. Ảnh: C.T

Nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, qua đó cải thiện thu nhập cho người dân, hướng thoát nghèo bền vững, huyện Đông Giang đang triển khai 20 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, và 14 dự án liên kết sản xuất cộng đồng với các sản phẩm tập trung sản xuất là heo đen, bò, hươu sao, quế, mít, ba kích, sầu riêng với sự tham gia của hàng nghìn lượt hộ dân. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ kỹ thuật, cây con giống chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Các dự án hiện nay đang phát triển tốt, kỳ vọng mang lại thu nhập bền vững cho các bên tham gia liên kết, nhất là hộ tham gia liên kết, hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất. Người nông dân tham gia yên tâm về đầu ra của sản phẩm, vì vậy tập trung đầu tư để nâng cao năng suất, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đặt nền móng đưa kinh tế huyện Đông Giang bứt phá.

Các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được huyện Đông Giang thực hiện theo các chương trình MTQG, nghị quyết. Bao gồm, 5 chuỗi theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (3 dự án nuôi hươu sao, 1 dự án trồng quế, 1 dự án chăn nuôi heo đen địa phương); 4 dự án triển khai thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 17, ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh (1 dự án trồng cây măng cụt, 1 dự án trồng cây sầu riêng Musang King, 2 dự án trồng cây quế); 11 chuỗi theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (2 dự án trồng cây quế, 1 dự án trồng cây mít siêu sớm da xanh, 1 dự án trồng cây mít ruột đỏ, 2 dự án trồng cây ba kích tím, 3 dự án nuôi hươu sao, 2 dự án trồng cây sầu riêng xen cây cau).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo ở Đông Giang: Khai phá tiềm năng nông - lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO