Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách ưu tiên của Trung ương, của tỉnh cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Tây Giang từng bước làm tốt công tác giảm nghèo, nhất là nâng cao nhận thức của đồng bào về nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Bám sát nhu cầu thực tiễn
Từ thực tế canh tác manh mún, ít quan tâm đến áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của đồng bào địa phương, những năm gần đây, huyện Tây Giang đã điều chỉnh phân vùng phát triển đảm bảo theo định hướng quy hoạch, cũng như phân bổ nguồn hỗ trợ giúp đồng bào có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Ông Alăng Lênh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang cho hay, cùng với tham mưu UBND huyện kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đơn vị còn chủ động phối hợp tổ chức họp thôn, lấy ý kiến của người dân để xác định danh mục giống cây trồng, con vật nuôi cần hỗ trợ.
Đồng thời giao một số ngành chức năng của huyện và chính quyền cấp xã làm chủ đầu tư, xây dựng dự án, mô hình phát triển sản xuất sát với nhu cầu thực tiễn. Từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác giảm nghèo, vừa có cơ sở định hướng triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thực tế của đồng bào.
Giai đoạn 2016 - 2019, từ các nguồn vốn của Chương trình 30a và 135, Tây Giang được phân bổ số tiền gần 192 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, địa phương tiến hành xây dựng mới và sửa chữa hàng trăm công trình dân sinh; đầu tư hạ tầng cơ sở; hỗ trợ lương thực cho đồng bào vùng giáp biên; triển khai các hoạt động phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế và giới thiệu sản phẩm đặc trưng cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, các công trình dự án sắp xếp dân cư gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp; các hoạt động hỗ trợ công tác xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực cộng đồng… cũng được triển khai một cách đồng bộ.
Hiệu quả bước đầu trong việc lồng ghép và triển khai đồng bộ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp địa phương chuyển đổi dần tư duy sản xuất từ truyền thống sang cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong tổng thể phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong đó, nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm hộ DTTS khó khăn về cây trồng, con vật nuôi, phân bón... đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình.
“Qua thời gian triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ đầu tư, bên cạnh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy của người dân địa phương, nhiều nội dung đã tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Hiệu quả từ việc nâng chất ở tư duy đã giúp đời sống người dân từng bước được cải thiện và có những bước chuyển rất tích cực” - ông Lênh nói.
Không để phát sinh hộ nghèo
Ông Bh’riu Quân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang cho biết, dù con số giảm nghèo hàng năm chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra, nhưng tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương có nhiều chuyển biến, giảm từ 46,32% (năm 2016) xuống còn 38,07% (năm 2019). Đây là tín hiệu đáng mừng, phản ánh khá rõ nét quá trình huy động nguồn lực, sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững.
Để việc giảm nghèo dần đi vào thực chất, Phòng LĐ-TB&XH huyện tham mưu UBND trong việc kiên quyết không để hộ nghèo phát sinh, hộ thanh niên tự rơi vào diện nghèo; đồng thời xây dựng các chương trình phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo.
Điển hình gia đình chị Cơlâu Thị Giáp (ở thôn Aró, xã Lăng), trước đây luôn nằm trong hộ nghèo. Từ năm 2016, bằng việc chăn nuôi và mở tiệm tạp hóa, chị Giáp đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo bền vững. Sau vài năm, chị mở rộng thêm mô hình phát triển kinh tế; đồng thời kết nối, thu mua các mặt hàng nông sản của bà con trong vùng, trở thành gương sáng trong việc vươn lên thoát nghèo.
“Từ năm 2016 đến nay, gia đình mình đã thoát nghèo và không tái nghèo nữa. Một phần cũng nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn để có thêm điều kiện phát triển kinh tế” - chị Giáp chia sẻ. Có thể thấy, chính sự thay đổi nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bước chuyển về giảm nghèo ở Tây Giang. “Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm của các cấp chính quyền, người dân đã và đang dần hiểu rõ hơn về mục tiêu các chương trình hỗ trợ, từ đó nỗ lực rất nhiều trong việc giảm nghèo, xóa bỏ dần tâm lý trông chờ ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước. Đây cũng chính là điều mà chúng tôi hướng đến, nhằm đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững ngày càng thực chất hơn” - ông Quân nhấn mạnh.